Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

277 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 499

  • Tổng 5.563.575

Miếu bà Còng thôn Trung Bính

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Miếu bà Phạm Thị Còng là ngôi miếu nhỏ nằm cạnh khuôn viên trụ sở UBND xã Bảo Ninh (cũ), cũng là khuôn viên của đình làng Trung Bính xưa. Miếu bà Còng chỉ vẻn vẹn chừng 50m2, mặt hướng ra sông Nhật Lệ, lưng dựa vào động cát Bảo Ninh.

Theo các nguồn tư liệu cũng như lời kể của các cụ cao niên làng Trung Bính, miếu bà Còng được họ Phạm làng Trung Bính, Bảo Ninh xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17 để thờ bà Phạm Thị Còng, một trưởng nữ (đời thứ 3) của họ Phạm có dòng dõi từ Ninh Bình, do có công lớn nên được chúa Nguyễn phong sắc và cho dựng miếu thờ.

Theo sách “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt”, vào năm 1600, chúa Nguyễn Hoàng được vua Lê phái vào xứ Thuận Hóa làm trấn thủ, đánh đuổi nhà Mạc, giữ yên cương vực.

Trên đường cầm quân tiến vào xứ Thuận - Quảng bằng đường biển, đến vùng cửa biển Nhật Lệ ngày nay, đoàn thuyền của chúa Nguyễn gặp phải sóng to gió lớn, trong lúc chống chọi với sóng dữ, các quai chèo đều không may bị đứt.

Trước tình thế cấp bách đó, bà Phạm Thị Còng - là vợ của một tướng lĩnh trong đoàn quân của chúa Nguyễn đã không do dự, hiến hai kiện tơ vàng cho đội quân của chúa Nguyễn để làm quai chèo, bảo đảm cho đoàn thuyền vượt sóng, vượt sông an toàn. Nhờ đó, đoàn quân hơn 1.000 người của Nguyễn Hoàng đã đi vào đến Cửa  Việt, đóng dinh tại làng Ái Tử (Quảng Trị), bắt đầu sự nghiệp nơi vùng đất này.

Bà Phạm Thị  Còng sau đó được phong danh hiệu “Thị giá Phu nhân”. Khi nhà Nguyễn lập quốc, bà được phong sắc “Bản thổ Thành hoàng, Dực vận Hoàng Chung Chính Nghi Siêu Thông tôn thần”, được xếp vào hàng liệt nữ của tỉnh Ninh Bình và được chúa Sãi đưa về thờ ở nơi dành cho các vị công thần thời chúa Nguyễn tại Dinh Cát- Ái Tử (Quảng Trị), còn ở các nơi khác suốt dải ven biển miền Trung đều cho nhân dân dựng miếu thờ bà Phạm Thị Còng tại những nơi có nhà thờ họ Phạm.

Miếu bà Phạm Thị Còng được nhân dân và bà con họ Phạm làng Trung Bính, xã Bảo Ninh xây dựng trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng, lưng dựa động cát, mặt hướng ra dòng Nhật Lệ hiền hòa, mỗi sáng nghe tiếng gõ chài quen thuộc khi bình minh chưa lên, chiều về đón từng đoàn thuyền cá tôm đầy khoang cập bến.

Cũng từ đó, miếu bà Phạm Thị Còng trở thành nơi gửi gắm ước nguyện, tâm linh của những người dân biển mặn mòi, chân chất, sớm chiều chỉ quen với thuyền bè, chài lưới. Trước mỗi lần ra khơi, họ đều không quên đến miếu bà Còng, cầu xin sự phù hộ che chở để sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.

Miếu bà Còng được nhân dân Trung Bính cũng như nhân dân Bảo Ninh thành kính gửi gắm ước nguyện, niềm tin. Bảo Ninh, vùng đất được ví như “hòn non bộ” nhỏ xinh nằm giữa một bên là biển và một bên là dòng Nhật Lệ thơ mộng.

Từ xa xưa, dải cát Bảo Ninh có vị trí đặc biệt quan trọng trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Trong thời kỳ thuộc Pháp, Bảo Ninh là một trong những địa phương ở Quảng Bình có phong trào cách mạng hoạt động sớm, được Xứ ủy Trung Kỳ chọn làm nơi nhen nhóm và xây dựng phong trào cách mạng.

 Những hạt giống đỏ đầu tiên trong phong trào cách mạng ở Trung Bính, Bảo Ninh là các chị: Lê Thị Trình ở Hòa Luật Bắc (Lệ Thủy), Trần Thị Mính ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), anh Phạm Khuông Tương (Trung Bính), chị em trong gia đình chị Hoàng Thị Thức...

 Sau này, phong trào phát triển thêm các đồng chí Lê Thị Tình, Lê Công Huy, Bùi Công Ái, Bùi Công Lập... Tổ chức cách mạng đầu tiên này thường hoạt động tại nhà của chị Hoàng Thị Thức ở thôn Trung Bính, ban đầu chỉ là “nhóm đọc sách báo tiến bộ”, sau đó trở thành nòng cốt của phong trào “truyền bá chữ quốc ngữ”.

 Dần dần, phong trào phát triển và lan rộng sang các thôn khác. Sau mỗi lần họp kín, bàn bạc, thống nhất các phương án, kế hoạch hành động, nhóm đã nhất trí lấy miếu bà Còng làm nơi cất giấu tài liệu,  trao đổi, liên lạc giữa các đồng chí trong hội, nhóm và giữa các nhóm trong vùng. Miếu bà Còng được sử dụng như một hộp thư mật, vừa kín đáo an toàn vừa che mắt địch. Nhờ đó, nhân dân Bảo Ninh sớm được giác ngộ, nhận thức âm mưu của thực dân Pháp để từ đó sẵn sàng gia nhập các tổ chức cách mạng, đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ làng xóm quê hương.

 Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp quay trở lại, một lần nữa nhân dân Quảng Bình lại anh dũng đứng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, nhân dân Trung Bính, Bảo Ninh nhanh chóng tham gia hoạt động kháng chiến.

 Tiêu biểu là các đồng chí: Phạm Lần, Đào Đàm, Hoàng Truyện, Hoàng Thị Thức, Nguyễn Tú, Võ Thạch, Hoàng Thị Quyến... Đặc biệt là tấm gương sáng về tinh thần và khí phách cách mạng bất khuất kiên trung, chiến đấu và hy sinh oanh liệt của hai anh em Phạm Khuông Tương và Phạm Dụng Hanh (riêng liệt sĩ Phạm Dụng Hanh đã được Nhà nước truy tôn danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được họ Phạm thôn Trung Bính xây đền thờ cạnh nhà thờ họ Phạm và miếu bà Còng).

 Tấm gương chiến đấu đến cùng và hy sinh oanh liệt của hai người con thôn Trung Bính mãi mãi là niềm tự hào của biết bao thế hệ, ghi vào những trang sử của dân tộc, của quê hương như những mốc son không phai mờ.

 Trải qua hơn 3 thế kỷ tồn tại, chứng kiến và gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương, miếu bà Phạm Thị Còng thôn Trung Bính là địa điểm tâm linh được nhân dân tôn quý. Tuy nhiên, hiện  nay miếu bà Còng đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Năm 2017, họ Phạm thôn Trung Bính và nhân dân đã góp công, góp của tôn tạo lại ngôi miếu khang trang hơn.

 Miếu thờ bà Phạm Thị Còng, thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh là ngôi miếu gắn với nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng, trong đó phải kể đến là công lao to lớn của bà Phạm Thị Còng - một người con họ Phạm đã có công hiến kế, kịp thời cứu cả đoàn quân của chúa Nguyễn trong cuộc vượt biển vào Nam lập nghiệp.

 Không chỉ là địa điểm tâm linh, là nơi gửi gắm mọi ước nguyện trong cuộc sống lao động sản xuất, miếu bà Còng còn là địa điểm gắn với quá trình hoạt động cách mạng của nhân dân Trung Bính, Bảo Ninh trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân xâm lược.

 Với những sự kiện lịch sử tiêu biểu đó, miếu bà Phạm Thị Còng cần được cơ quan khoa học nghiên cứu, thẩm định, làm hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận, xếp hạng di tích. Rồi đây, cùng với các điểm di tích lịch sử danh thắng trên địa bàn, nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Bảo Ninh, miếu bà Phạm Thị Còng - điểm di tích tâm linh sẽ góp phần phong phú thêm cho hệ thống di tích lịch sử và danh thắng trên địa bàn.

Hải Yến (theo baoquangbinh.vn)

Các tin khác