Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

276 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 2178

  • Tổng 5.557.002

Thành Đồng Hới – công trình kiến trúc, nghệ thuật, quân sự và chứng tích lịch sử

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Thành phố Đồng Hới là mảnh đất có địa thế quan trọng trên con đường thiên lý từ Bắc vào Nam mà thành cổ Đồng Hới, di tích lịch sử quân sự được xây dựng vào thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh nằm giữa lòng thành phố chính là dấu xưa vừa vững chãi vừa oai hùng. 

Thành Đồng Hới, tên chữ: Định Bắc Trường Thành, tọa lạc trên một vùng đất xung yếu, cắm một cái chốt độc đạo trên con đường xuyên Việt từ Bắc vào hay Nam ra. Thành gần biển, cách cửa biển Nhật Lệ 1.500m. Phía Đông là con sông Nhật Lệ, phía Tây cách rừng khoảng vài nghìn mét. Thành nằm ở phường Hải Đình, trung tâm thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Đây là di tích kiến trúc - nghệ thuật thành luỹ quân sự, được xây dựng cách đây gần 200 năm.
Năm Gia Long thứ 10 (1812), thành Đồng Hới được khởi xây trên chính địa thế của lũy Trấn Ninh năm xưa mà Nội tán Đào Duy Từ đã được chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai xây dựng năm 1631, làm nên thành trì giới hạn cho hai quân Trịnh – Nguyễn. Với lợi thế giáp cửa biển Nhật Lệ, thành Đồng Hới vừa là nơi kín đáo, an toàn để tiếp nạp quân lương, vừa là tấm lá chắn vững chắc bên bờ biển Đông góp phần ngăn chặn những cuộc tấn công bằng đường thủy của đối phương. Thành cổ Đồng Hới còn là chứng tích chiến tranh in hằn những mất mát đau thương cùng những chiến công hào hùng của quân và dân Quảng Bình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.       
Sơ khởi, thành Đồng Hới được đắp bằng đất, đến năm 1824 thì vua Minh Mạng đã liên hệ được với một viên sĩ quan người Pháp, cho thiết kế lại và xây dựng thành bằng gạch theo kiểu kiến trúc Vô-băng (Vauban (1633 – 1707), người Pháp, một kỹ sư quân sự lừng danh). Đây là lối kiến trúc thành trì quân sự cổ điển thịnh hành ở phương Tây thế kỷ 17. Khi vua Gia Long lên ngôi và các vị vua triều Nguyễn nối tiếp sau đó, họ đã cho xây dựng từ Nam ra Bắc các tòa thành kiểu này, như thành Sài Gòn, đô thành Huế, thành Hà Nội, Sơn Tây, Cao Bằng, Lạng Sơn…
Cấu trúc thành Vô-băng dùng chất liệu gạch kích thước lớn đã được nung già, mạch trát vữa và mặt tường có trổ các lỗ châu mai. Kiểu thành trì đặc dụng này nhất nhất bố trí hệ thống các pháo đài, đường dưới chân phía trong và phía ngoài thành… Chiếu theo đó, thành Đồng Hới là thành lũy quân sự kiên cố có hình múi khế, xoay theo hướng tây nam – đông bắc và tây bắc – đông nam với 4 múi to, 4 múi nhỏ. Thành Đồng Hới xây bằng gạch vồ (một loại gạch to dày, thô nhám, độ bền lâu được  bảo đảm bằng lớp vữa cát trộn với mật mía. Gạch vồ cổ xuất hiện trước đó vào thời Lý – Trần, Lê – Mạc ở các tường thành, nền móng…) với phần móng dày 2 m, thành cao 4 m, chu vi thành 1.860 m, bề mặt thành rộng 1,35 m... 
Thành Đồng Hới có 3 cửa thành ở phía đông, bắc và nam. Cổng thành được xây theo lối kiến trúc truyền thống của Việt Nam với kiểu cổng tam quan có vọng canh 8 mái vẫn thường xuất hiện ở đình chùa, miếu mạo. Cách chân móng thành khoảng 6 m là hồ thành rộng chừng 28 m, sau lưng cửa cổng thành là chiếc cầu gạch mái vòm bắc qua con hào để thông ra ngoài. Phía bờ hào bên kia thành còn được đắp thêm một con đường phụ rộng 12 m. Năm Nhâm Dần 1842, vua Thiệu Trị trên đường “ngự giá Bắc tuần” qua lũy Trấn Ninh đã lưu ý đến hiện trạng không còn nguyên vẹn của công trình này. Sau đó, ông đã lấy tên Định Bắc Trường thành thay thế cho cái tên cũ và bàn bạc với triều đình rồi nhanh chóng ban kinh phí trùng tu ngôi thành này.
Thành Đồng Hới ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, từ thời Lý Thánh Tông và Lý Thường Kiệt đi chinh phạt giặc Chiêm Thành (thế kỷ XI), Trần Duệ Tôn (thế kỷ XIV) Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) đi kinh lý phương Nam. Mảnh đất bi hùng này còn chứng kiến cuộc hành quân thần tốc của người anh hùng Nguyễn Huệ, hai lần ra Bắc chinh phạt lũ bán nước và cướp nước. Đến thế kỷ XVII trên mảnh đất thành Đồng Hới là vùng ’’phên dậu’’ tranh chấp đất đai. và quyền lực giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn suốt 45 năm (1627 -1672) gây nên cảnh "nồi da xáo thịt’’, "huynh đệ tương tàn".
Thành Đồng Hới đã từng là chiến địa của quân và dân Quảng Bình với quân xâm lược. Ngày 19-7-1885, thực dân Pháp chiếm được thành Đồng Hới, ngay lập tức tòa thành này đã trở thành điểm giao tranh ác liệt giữa tướng lính nhà Nguyễn với binh lính Pháp mà đỉnh điểm là ba lần đột nhập vào thành Đồng Hới của nghĩa quân Nguyễn Phạm Tuân vào tháng 1, 6, 8 năm 1886.
Qua chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 -1954) quân và dân thị xã nhiều lần tập kích quân Pháp ở trong thành gây cho chúng nhiều thiệt hại. Ngày 18-8-1954, tên Pháp cuối cùng rời khỏi thành rút xuống tàu há miệng về nước.
 Thành Đồng Hới - dấu tích dưới thời vua nhà Nguyễn
Ngày 16-6-1957, vinh dự cho quân và dân Quảng Bình được đón Bác Hồ kính yêu vào thăm và nói chuyện. Thành Đồng Hới rợp cờ hoa và biển người đón Bác.
Thành Đồng Hới từ khi xây dựng cho đến nay luôn là trụ sở của cơ quan đầu não (của ta và của địch) và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của một vùng, một phủ và của tỉnh Quảng Bình.
Thành cổ Đồng Hới đổ nát nghiêm trọng trong thời kỳ Pháp thuộc. Cuối năm 1972, khi Hội nghị Paris bế tắc, Mỹ đã triển khai chiến dịch Linebacker II nhằm "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá". Quảng Bình  nằm trong vùng chiến cuộc của dã tâm điên cuồng đó, và thành cổ Đồng Hới một lần nữa trở thành chiếc túi bằng gạch vữa hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn… Từ trong những năm tháng gian lao mà anh dũng đó, đôi bờ Nhật Lệ, dưới bóng thành cổ uy nghi đã sản sinh ra những người con ưu tú, những anh hùng cách mạng mà cho đến hôm nay vẫn còn vang dội tiếng tăm ngay giữa đời và trong thơ, nhạc. Đó là mẹ Nguyễn Thị Suốt: “Một tay lái chiếc đò ngang/Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày/Sợ chi sóng nước tàu bay/Tây kia ta đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!...” (Mẹ Suốt, thơ Tố Hữu). Hay “Em bé Bảo Ninh” Trương Ngọc Hương: “Em bé Bảo Ninh/Bên bờ Nhật Lệ/Như cánh hoa nhỏ/Nở bên chiến hào/Như chim đầu ngõ/Hót mừng xôn xao...” (Em Bé Bảo Ninh, nhạc Trần Hữu Pháp, thơ Nguyễn Văn Dinh).
Thành hiện này còn một nửa. Đoạn thành phía Đông, 3 cổng và hai cầu Nam - Bắc đã bị sập hoàn toàn do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cầu phía Đông còn nhưng không nguyên dạng như ban đầu. Thành còn 1.087m với 15 đoạn dích dắc hình răng khế. Đoạn thành phía Nam còn lại 2/3 tương đối nguyên vẹn.
 
Ngày nay, Thành Đồng Hới đã trở thành điểm đến tham quan cho khách du lịch tứ phương. Phế tích còn lại của Thành Đồng Hới chỉ là Quảng Bình Quan (mới được phục chế). Và một đoạn tường thành nằm bên quốc lộ 1A đoạn đi qua Đồng Hới. Mỗi bước phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh nhà đều ghi thêm một trang sử mới cho di tích thành Đồng Hới. Nhiều công trình mới mọc lên nhưng không làm mất đi vẻ cổ kính của thành Đồng Hới mà trái lại càng tô điểm thêm cho toà thành cổ soi bóng bên dòng sông Nhật Lệ.
Lệ Bình

Các tin khác