Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

277 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 1890

  • Tổng 5.564.966

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – huyền thoại một dân tộc

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Võ Nguyên Giáp là một tướng lĩnh trong Quân đội Nhân dân Việt Nam; một chính trị gia và được mệnh danh là một trong những chiến lược quân sự vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông không chỉ là vị tướng huyền thoại trong lòng người dân Việt Nam, mà còn là một thiên tài quân sự được thế giới trân trọng, cảm phục và suy tôn là một trong 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới qua mọi thời đại.

Tiểu sử của đại tướng Võ Nguyên Giáp
Võ Nguyên Giáp sinh ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho, con của ông Võ Quang Nghiêm. Võ Quang Nghiêm là một nho sinh thi cử bất thành về làm hương sư và thầy thuốc Đông y, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông bị Pháp bắt, đưa về giam ở Huế và mất trong tù.Năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào trường Quốc học Huế (ông đỗ thứ hai sau Nguyễn Thúc Hào). Hai năm sau, ông bị đuổi học cùng với Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), Phan Bôi sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Ông về quê và được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc nhưng có màu sắc cộng sản thành lập năm 1924 ở miền Trung Việt Nam. Nguyễn Chí Diểu cũng giới thiệu Võ Nguyên Giáp vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động báo chí trong thời Mặt trận Bình dân Pháp.Đầu tháng 10 năm 1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa phủ (Huế), cùng với người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái, em trai là Võ Thuần Nho và các giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng,…Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế Đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut và đỗ. Ông nhận bằng cử nhân luật năm 1937 (Licence en Droit). Do bận rộn hoạt động cách mạng, vào năm 1938, ông bỏ dở học chương trình năm thứ tư về Kinh tế Chính trị và không lấy bằng Luật sư.Từ 1936 đến 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng.
Tháng 5 năm 1939, Võ Nguyên Giáp nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm giám đốc nhà trường.
Sự nghiệp của tướng Võ Nguyên Giáp
Vừa dạy học ở trường, ông Giáp vừa miệt mài viết báo Tiếng Dân do Huỳnh Thúc Kháng sáng lập và nhiều tờ báo cách mạng khác. Đồng thời tích cực tham gia các phong trào cách mạng. Trong suốt thời gian đó, Giáp là một người chuyên đọc lịch sử và triết học quân sự; ông tôn sùng Tôn Tử.
Ông cũng đã thực hiện một nghiên cứu cụ thể về quyền tướng của Napoleon; và rất ngưỡng mộ Bảy Trụ cột Thông thái của T. E. Lawrence. Từ đó học hỏi những ví dụ thực tế về cách áp dụng lực lượng quân sự tối thiểu để đạt hiệu quả tối đa. Trong những năm Mặt trận Bình dân ở Pháp, ông thành lập Hồn Trẻ tập mới; một tờ báo xã hội chủ nghĩa ngầm. Ông cũng thành lập tờ báo tiếng Pháp Le Travail (trên đó Phạm Văn Đồng cũng làm việc).
Sau khi Hiệp ước Molotov-Ribbentrop được ký kết, chính quyền Pháp đặt Đảng Cộng sản Đông Dương ra ngoài vòng pháp luật. Các nhà lãnh đạo quyết định rằng ông nên rời Việt Nam và đi lưu vong ở Trung Quốc. Ngày 3 tháng 5 năm 1940, ông từ biệt vợ, rời Hà Nội và vượt biên sang Trung Quốc. Vợ của Giáp về quê ở Vinh và bị bắt, bị kết án mười lăm năm tù và bị giam tại Nhà tù Trung tâm Hỏa Lò, Hà Nội. Tại Trung Quốc, ông kết giao với Chủ tịch Hồ Chí Minh; khi đó là cố vấn của Quân Giải phóng Nhân dân. Ông lấy bí danh là Dương Hoài Nam, học nói và viết tiếng Trung Quốc. Đồng thời nghiên cứu chiến lược và chiến thuật của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 
Tháng 9 năm 1940, thực dân Pháp đồng ý để Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam; để ‘bảo hộ’ Đông Dương. Tháng 5 năm 1941, Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Việt Minh. Võ Nguyên Giáp được giao trách nhiệm thiết lập mạng lưới tình báo và tổ chức các cơ sở chính trị ở miền Bắc. Để bắt đầu công tác tuyên truyền trong dân chúng, tờ báo Việt Nam Độc Lập đã ra đời. Ông Giáp đã viết nhiều bài cho tờ báo này. 
Ngày 22/12/1944, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 đội viên.
Chỉ 3 ngày sau đó, ngày 25/12/1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần.
Tháng 4/1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, đồng chí được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Từ tháng 5/1945, đồng chí là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6/1945, đồng chí được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng.
 Tháng 8/1945, ông được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, đồng chí được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
 Tháng 3/1946, ông là Chủ tịch Quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10/1946, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Tháng 1/1948, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
 Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. 
Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1979, ông giữ chức Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
 Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
 Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
 Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V và lần thứ VI của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.
 Từ tháng 1/1980, ông là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
 Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Những chiến dịch Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chỉ huy 
 
Chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947)Là một chiến dịch quân sự do quân đội Pháp thực hiện tại Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương. Chiến dịch này được xem là chiến thắng lớn đầu tiên của phe Việt Minh trong cuộc chiến, làm thất bại chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" của quân Pháp.
Chiến dịch do Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ huy, Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng.
Toàn chiến dịch, Việt Minh tuyên bố đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 6.000 lính Pháp và lính Việt phục vụ Pháp, bắt hơn 270 lính. 18 máy bay bị bắn hạ, 16 tàu chiến, 38 ca nô bị đánh chìm, 255 xe các loại bị phá hủy. Việt Minh thu 2 pháo 105 mm, 7 pháo 75mm, 16 khẩu pháo 20mm, 337 súng các cỡ, 45 bazooka, 1600 súng trường, hàng chục tấn quân trang quân dụng. Việt Minh hoàn thành nhiệm vụ đề ra: phá tan cuộc tấn công mùa đông của Pháp, bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến, bảo toàn và nâng cao sức chiến đấu của bộ đội chủ lực, bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc. 
Chiến dịch Biên giới 1950
Là một chiến dịch trong Chiến tranh Đông Dương do quân đội Việt Minh thực hiện từ ngày 16 tháng 9 đến 17 tháng 10 năm 1950, nhằm phá thế bị cô lập của căn cứ địa Việt Bắc, khai thông biên giới Việt - Trung để mở đầu cầu tiếp nhận viện trợ.
Chiến dịch Biên giới đã làm phá sản chiến lược quân sự chính trị của Pháp. Vòng vây biên giới bị đập tan, hành lang đông - tây bị chọc thủng, kế hoạch Reve cơ bản bị sụp đổ. Tổn thất hơn 8.000 lính trong 1 chiến dịch là một thất bại chưa từng có trong lịch sử chiến tranh xâm lược thuộc địa của đế quốc Pháp. Mất quyền chủ động quân sự, Pháp cũng mất quyền chủ động về ngoại giao, chính trị.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần đến thăm Bộ đội Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu
Chiến dịch Trung Du (tháng 12 năm 1950)
Chiến dịch Trung du là một trong những cuộc tiến công lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam vào phòng tuyến trung du Bắc Bộ của quân Liên hiệp Pháp. Đây là một trong 3 chiến dịch lớn trong đông-xuân 1950-1951.. Trong đợt 1 của chiến dịch, Quân đội Nhân dân Việt Nam giành thắng lợi lớn tại cả hai mũi tiến công ở Vĩnh Phúc và Hải Ninh. Do đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng đã quyết định đặt thêm mục tiêu giải phóng thị xã Vĩnh Yên, một thị xã quan trọng chỉ cách Hà Nội, thủ đô được quy định trong Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946.
Tuy không thành công trong việc lấy lại Vĩnh Yên (vốn không được đề ra trong kế hoạch tác chiến ban đầu), nhưng QĐNDVN đã giành được những thắng lợi lớn: đánh thiệt hại nặng binh đoàn cơ động của Pháp, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 5.000 quân viễn chinh, với hơn 2.000 bị bắt sống. Trong đó, mặt trận Vĩnh Phúc đã diệt và làm bị thương 2.565, bắt 1.577. Nhiều hội tề tan rã.QĐNDVN đã tiêu diệt và bức rút 32 vị trí và tháp canh, thu hồi một số lượng lớn vật tư chiến tranh, đặc biệt là 1.478 súng các loại có thể trang bị cho một trung đoàn mạnh.
 
Chiến dịch Đông Bắc (năm 1951)
Chiến dịch Đông Bắc (còn gọi là chiến dịch Hòa Bình (10 tháng 12 năm 1951 - 25 tháng 2 năm 1952) là chiến dịch tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam (Việt Minh) ở khu vực tại thị xã Hoà Bình-Sông Đà-Đường 6 (cách Hà Nội khoảng 40 – 60 km về phía tây) dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhằm diệt sinh lực địch, đánh bại kế hoạch chiếm đóng Hoà Bình của Pháp, phá phòng tuyến Sông Đà (hướng chủ yếu) và tạo điều kiện phát triển chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ. Sau chiến dịch, Việt Minh tuyên bố loại khỏi chiến đấu 21.249 quân Pháp và chư hầu, trong đó có 14.030 chết hoặc bị thương, 7219 bị bắt.
 
Chiến dịch Tây Bắc (tháng 9 năm 1952)
Chiến dịch Tây Bắc (từ 14 tháng 10 đến 10 tháng 12 năm 1952) là chiến dịch tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên hướng Tây Bắc Việt Nam nhằm tiêu diệt sinh lực đối phương, giải phóng một bộ phận đất đai, làm thất bại ý đồ của thực dân Pháp lập “Xứ Thái tự trị”.
Chiến dịch do Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh chiến dịch, Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng, Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm chính trị, Trần Đăng Ninh làm Chủ nhiệm cung cấp hậu cần.
“Chiến dịch Thu Đông 1952 đã thành công vượt mức dự kiến.” Hướng Tây Bắc, QĐNDVN đã tiêu diệt và bắt 6.029 quân Pháp và chư hầu; ngoài ra còn thu được thắng lợi quan trọng ở Phú Thọ, tiêu diệt 1.711, bắt 173. Toàn chiến dịch, QĐNDVN đã xóa bỏ và chiếm 85 vị trí, thu 3.785 súng các loại, 90 máy vô tuyến điện, 1459 dù, mở rộng kiểm soát thêm 28.000 km2 với 250.000 dân trong đó có thị xã Sơn La và toàn tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản). Ở đồng bằng Liên khu 3, tiêu diệt 12 vị trí cỡ đại đội, diệt 4.031 quân Pháp và chư hầu, bắt 1.746, mở rộng nhiều khu căn cứ ở tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng, nối liền vùng kiểm soát Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của Pháp.
 
Chiến dịch Thượng Lào (tháng 4 năm 1953)
Chiến dịch Thượng Lào (13.4-18.5.1953) là chiến dịch tiến công của QĐNDVN phối hợp với quân đội Pathét Lào trên địa bàn hai tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (Thượng Lào) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân đội Pháp, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào.
Sau chiến dịch, liên quân Lào-Việt diệt và bắt gần 2.800 quân Pháp, giải phóng tỉnh Sầm Nưa, một phần Xiêng Khoảng và tỉnh Phongxalì với diện tích hơn 4.000km2 và hơn 300.000 dân; mở rộng căn cứ kháng chiến của Lào, nối liền với vùng Tây Bắc VN.
 
Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 3 - 5 năm 1954)
Trận Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) và quân đội Liên hiệp Pháp (gồm lực lượng viễn chinh Pháp, lê dương Pháp, phụ lực quân bản xứ và Quân đội Quốc gia Việt Nam).
Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954 của Việt Nam. Bằng thắng lợi quyết định này, lực lượng QĐNDVN do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào tháng 5 năm 1954, sau suốt 2 tháng chịu trận. Giữa trận này, quân Pháp đã gia tăng lên đến 16.000 người nhưng vẫn không thể chống nổi các đợt tấn công của QĐNDVN. Thực dân Pháp đã không thể bình định Việt Nam bất chấp nhiều năm chiến đấu và sự hỗ trợ ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ và họ đã không còn khả năng để tiếp tục ứng chiến sau thảm bại này.
 
Đối với thực dân Pháp, trận này là một thất bại thảm hại và bất ngờ. Mặc dù đã chiến đấu nhiều năm và về sau còn được Hoa Kỳ trợ giúp đắc lực, Pháp đã không thể bình định Việt Nam. Thảm bại này khiến cho họ không còn nhân lực và ý chí để mà tiếp tục ứng chiến. Một ngày sau khi Pháp để Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 8 tháng 5 năm 1954, Hội nghị Geneve bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương. Sau hội nghị này, Pháp công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh tại Tổng hành dinh trong ngày toàn thắng. Ảnh tư liệu.
Cuộc đời sau kháng chiến của đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngay sau khi Sài Gòn thất thủ, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập. Trong chính phủ mới, ông Giáp giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; và được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng vào tháng 7 năm 1976. Tháng 12 năm 1978, ông giám sát cuộc Chiến tranh Campuchia-Việt Nam thành công; tiêu diệt chế độ polpot và chấm dứt chế độ diệt chủng Campuchia. Cuối cùng, ông thôi giữ chức vụ tại Bộ Quốc phòng năm 1981; và thôi giữ chức vụ Bộ Chính trị năm 1982. Ông vẫn giữ chức vụ Ủy viên Trung ương và Phó Thủ tướng cho đến khi nghỉ hưu năm 1991.
 
Ngày 4 tháng 10 năm 2013, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả của QĐNDVN. Đã từ trần; hưởng thọ 102 tuổi; vào lúc 18 giờ 09 giờ; tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội. Nơi ông đã sống từ ngày 24 tháng 9 năm 2009. Ông được tổ chức quốc tang từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 10; và thi hài được đặt tại nhà xác quốc gia ở Hà Nội cho đến khi an táng tại quê nhà Quảng Bình. 
 
Mãi mãi lưu danh trong lịch sử
  Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911/4-10-2013) là một tấm gương phản chiếu của gần trọn thế kỷ XX - thế kỷ dữ dội nhất và cũng bi hùng nhất của dân tộc Việt Nam. Với tài thao lược, cùng với bản lĩnh cầm quân kiệt xuất, Đại tướng đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lập nên những chiến công hiển hách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.   
Đáng nói là người đứng đầu quân đội đã đánh bại hai đội quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế kỷ XX lại chưa hề được đào tạo qua trường lớp quân sự nào, và chính điều ấy đã làm nên sự khác biệt của Đại tướng, khiến thế giới phải ngả mũ khâm phục, suy tôn Võ Nguyên Giáp là danh tướng, một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại..., đồng thời đánh giá ông là một trong số những người hiếm hoi có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử.   
Năm 2006, “Thời báo châu Á” (Times Asia) số ra đặc biệt đã dành một bài viết dài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong loạt bài viết tôn vinh các “Anh hùng châu Á”-những nhân vật nổi tiếng làm thay đổi cục diện châu lục trong những thập kỷ gần đây. Bài báo viết: nhờ tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội Việt Nam đã chiến thắng lẫy lừng trong chiến dịch quân sự kéo dài 56 ngày đêm và tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp năm 1954, đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi đầu tiên của một lực lượng kháng chiến châu Á đánh thắng quân đội thực dân trong một trận chiến quy mô và làm tiêu tan huyền thoại về sự vô địch của phương Tây thời đó.   
Năm 1984, Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh đã bầu chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 danh nhân quân sự vĩ đại nhất thế giới. Đặc biệt, trong số 10 bức chân dung được tạc tượng bằng vàng và đặt trang trọng ở Viện bảo tàng lớn nhất London, chỉ duy nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tạc tượng khi vẫn đang còn sống.   
Không chỉ tỏa sáng rực rỡ trong lĩnh vực quân sự, Đại tướng còn là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Ông đã dành nhiều tâm sức cho việc viết hồi ký và lịch sử. Những tác phẩm của ông, như: "Từ nhân dân mà ra”, "Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử", "Những năm tháng không thể nào quên", "Chiến đấu trong vòng vây", "Tổng Hành dinh trong mùa xuân toàn thắng", “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”..., đã giúp người đọc cả trong và ngoài nước càng hiểu sâu hơn về bản sắc, truyền thống văn hóa, nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam, càng thêm yêu mến, khâm phục đất nước và con người Việt Nam.   
Có thể nói, trong cuộc đời dù nắm giữ nhiều cương vị, kinh qua nhiều lĩnh vực công tác, nhưng con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn toát lên tinh thần nhân văn cao cả, lấp lánh trí tuệ và đặc biệt là luôn tỏa sáng một phẩm cách thanh sạch, hết lòng vì dân vì nước. Tên tuổi của ông mãi mãi đi vào huyền thoại.

Lệ Bình 

Các tin khác