Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

276 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 570

  • Tổng 5.557.649

Về với các điểm du lịch di tích lịch sử cách mạng ở Bảo Ninh - Đồng Hới

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Bảo Ninh là một xã miền biển thuộc thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), ở về bờ phía phải sông Nhật Lệ. Dòng Nhật lệ thông với biển Đông bao vây lấy Bảo Ninh cả ba mặt, đông, tây và bắc, biến Bảo Ninh thành một các bán đảo hình tam giác nhọn. Giữa một vùng trời biển bao la, ba bề sông nước mênh mông, dải cát Bảo Ninh nổi lên như một bức tường thành, lô nhô lớp lớp gò đống nối đuôi nhau chạy thi với bờ biển, vươn mình dựng đứng rồi sãi cánh theo chiều dài con sông Nhật Lệ mà làm bức bình phong ngăn sóng ngăn gió cho thành phố Đồng Hới. Nơi đây người dân Bảo Ninh đã bao đời gắn bó với biển cả, sông nước nên họ có một tính cách khá độc đáo, một lối nghĩ, một cách nhìn cuộc sống phong phú. Ngoài nghề đánh cá, chế biến nước mắm chuyên nghiệp, họ con sống bằng nghề nông, nghề buôn bán và thủ công. Những nghề nghiệp đó từ đời ông cha để lại đã gắn bó người nơi đất với mảnh đất yêu quý của mình. Bởi vậy mà trong những câu hò, điệu hát của họ vừa có cái sống động dạt dào của biển Đông vô tận mênh mông, vừa có sự trầm lắng trữ tình của cảnh xe dây, dệt lưới dưới ánh trăng khuya.

         Suốt chiều dài lịch sử, bên cạnh những bộ phận dân cư bản địa đầu tiên cho đến khi sự có di cư của một phần lớn dân cư từ ngoài Bắc vào định cư, đã làm cho dân số Bảo Ninh ngày càng đông đúc, dần dần hình thành bên bờ hữu ngạn sông Nhật Lệ 8 đơn vị làng xóm: Mỹ Cảnh, Đồng Dương, Sa Động, Trung Bính, Hà Dương, Hà Thôn, Hà Trung, Cừa Phú.

            Ngày nay Bảo Ninh “Một hòn ngọc sáng bên bờ sông Nhật Lệ”, một vùng quê “chang chang cồn cát” của đất lửa Quảng Bình thời chiến tranh đang chuyển mình trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Người dân nơi đây đang từng ngày đón những đoàn khách về với huyền thoại Bảo Ninh-Nhật Lệ, Bến đò mẹ Suốt, về với khu du lịch sinh thái Sun Spa resoet-Mỹ Cảnh, về với những lễ hội truyền thống, về với cum di tích lịch sử Lăng cá Ông - Miếu Âm hồn - Miếu ông Nghị. Cuộc sống đang từng ngày khởi sắc biến “làng biển” Bảo Ninh thành “phổ biển” sầm uất.

            Bảo Ninh là một xã miền biển, tâm linh tín ngưỡng của người dân nơi đây có nhiều đặc thù, phản ánh nhu cầu tâm linh của cư dân làm nghề đánh bắt cá biển. Từ những loại tín ngưỡng dân gian như thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng làng, thờ thổ công, thổ địa đến các loại tín ngưỡng khác như thờ hà bá, thờ oan hồn những người chết ở biển… thì tín ngưỡng đặc trưng nhất và liên quan đến nghề nghiệp của ngư dân chài lưới là tục thờ cá Voi (cá Ông). Cá voi đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của cư dân vùng biển Bảo Ninh. Đây là tín ngưỡng dân gian khá đặc thù của ngư dân ven biển được hình thành trong quá trình tiến biến văn hóa Việt-Chăm diễn ra từ Đèo Ngang trở vào.

Với cư dân thuở trước, cá voi là vị thần trợ giúp họ trong việc chài lưới và khi gặp bão tố giữa biển khơi. Vì thế ngư dân Bảo Ninh mang ơn sâu nặng, tỏ lòng ngưỡng mộ, cung kính, gọi cá voi là Ngài, cá Ông… Lăng thờ cá voi luôn được dân làng chăm nom chu đáo. Hàng năm đều mở hội cầu ngư và tế cúng đức Ông. Hội Cầu ngư là lễ hội dân gian đặc sắc của ngư dân vùng biển. Trong lễ hội ngoài nghi lễ tế cúng thần linh, là các hoạt động vui chơi, thể thao, văn hóa văn nghệ như đua thuyền, múa bông, chèo cạn, buông phao… Lễ hội cầu ngư vừa nhằm vào việc tưởng nhớ công đức của người xưa, vừa thể hiện lòng mong ước, sự cầu chúc cho một năm làm ăn phát đạt. Tín ngưỡng dân gian và sinh hoạt văn hóa-văn nghệ dân gian hòa quyện chặt chẽ với nhau tạo cho đời sống văn hóa-tinh thần của ngư dân vùng biển Bảo Ninh đậm đà bản sắc dân tộc và bản sắc địa phương.

Tín ngưỡng thờ phụng cá Ông của ngư dân Bảo Ninh nói chung của dân làng Sa Động nói riêng là sự thể hiện tình cảm của ngư dân đối với một hiện tượng thiên nhiên rất gắn bó với họ. Bởi thế nó không đơn thuần chỉ là sự thực hành tín ngưỡng mà còn biểu hiện văn hóa ứng xử của ngư dân trước biển cả.

Lăng cá Ông - Miếu Âm hồn - Miếu ông Nghị được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là di tích lịch sử tại Quyết định số 1609/QĐ-UBNd ngày 12/7/2011. Kết hợp với Lễ hội Cầu ngư hàng năm được tổ chức vào dịp rằm tháng 4 (âm lịch) của người dân vùng biển Bảo Ninh. UBND xã Bảo Ninh cùng toàn thể nhân dân thôn Sa Động tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích công nhận Lăng cá Ông - Miếu Âm hồn - Miếu ông Nghị.

* Lăng cá Ông:

Thời Gia Long năm thứ 10 (1812) vào một ngày tháng 4 âm lịch tại vùng biển ở cửa sông Nhật Lệ, khi những chiệc thuyền buồm của làng Sa Động đang căng buồm trong một chuyến đánh bắt vụ cá nam trở về thì thấy cá voi (cá Ông) lụy gần bờ biển của làng. Đến năm 1822, năm thứ 3 đời vua Minh Mạng, làng Sa Động đã xây dựng lăng thờ để thờ Ngài. Lăng được xây bằng gạch và lợp ngói âm dương. Lăng được xây theo kiểu cuốn vòm; có sân lăng và nhà lăng; nhà lăng có tiền đường và hậu tẩm. Kiến trúc của Lăng cơ bản mang dáng dấp của một ngôi đình, vừa mang chức năng tín ngưỡng, vừa mang chức năng thế lực. Lăng được xây dựng trên động cát cao nhất vùng, lưng dựa vào lũy Trường Sa, mặt hướng ra sông Nhật Lệ (đây cũng là điểm khác so với các Lăng cá Ông mặt thường quay ra biển).

Lăng cá Ông với kiến trúc và cách bài trí thờ trong Lăng tuy không lớn và đơn sơ nhưng vẫn thể hiện được sự thành kính, tình cảm của ngư dân làng biển Bảo Ninh với Ngài-vị thần biển che chở cho muôn dân, khi ra khơi thuận buồm xuôi gió. Các khối kiến trúc, các bức vẽ, đắp nổi hình hoa văn rồng… ở Lăng cá Ông thể hiện sự uy nghiêm, thành kính. Đặc biệt ở gian giữa Lăng là nơi thờ cá Ông và Bác Hồ (đốt xương cá Ông khắc hình Bác Hồ). Người khắc hình Bác Hồ trên đốt xương cá Ông đó là họa sĩ Phạm Phi Trường nguyên là Phó Giám đốc Mỹ thuật Bình Trị Thiên. Sau khi Bác mất, cả nước tiếc thương vô hạn. Làng Sa Động cũng thế. Để đời đời nhớ Bác, tôn kính Bác dân làng đã họp bàn rồi quyết định khắc hình bác lên ngài để cùng thờ. Sau khi thống nhất, người có tài điêu khắc của làng được chọn chính là ông Trường. Ý nghĩa của việc khắc hình ảnh Bác lên đốt xương của ngài là vì người dân biển quan niệm cá Ông là vị thần cứu giúp họ trên biển, mang lại bình yên, may mắn cho họ. Còn Bác Hồ là vị anh hùng của dân tộc, người đã cứu cả dân tộc thoát khỏi nô lệ, để có cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như hôm nay. Vì thế cả hai đều được làng tôn thờ, ghi ơn.

Lăng cá Ông thôn Sa Động xã Bảo Ninh có lịch sử gần 200 năm gắn liền với bao biến cố thăng trầm của người dân làng Sa Động nới riêng và người dân xã Bảo Ninh nói chung. Đây là một lăng thờ lớn mang giá trị tín ngưỡng tâm linh sâu sắc của ngư dân miền biển Bảo Ninh.

Hàng năm tại lăng thờ thường tổ chức các lễ hội lớn, đặc biệt trong đó có lễ hội Cầu ngư.

* Miếu Âm hồn:

Miếu Âm hồn và khu nghĩa địa là nơi cát táng nhiều cá Ông và hàng trăm bộ hài cốt của những người gặp nạn trên sông biển dạt vào không giấy tờ tùy thân, được dân làng mai táng thờ phụng. Đây là nét văn hóa dân gian đặc sắc về lòng nhân ái của cư dân vùng biển mà dân làng miền biển Bảo Ninh gìn giữ đã hàng trăm năm nay.

Miếu Âm hồn được xây dựng vào năm Khải Định thứ 10 (1925). Mỗi tháng cứ đến ngày sóc, ngày vọng dân làng đều đến thắp hương tại miếu.

Hàng năm, cứ vào dịp rằm tháng bảy, dân vạn chài tổ chức chạp mã tại khu nghĩa địa Âm hồn, cúng tế thần linh và các vong linh.

* Miếu Ông Nghị:

Miếu Ông Nghị - là ngôi miếu nằm trên một đồi cát trắng trên sông Nhật lệ hiền hòa, cuối làng sa Động giáp với thôn Đồng Dương. Dân làng xây miếu thờ ông- một tấm gương sáng, niềm tự hào của dân làng Sa Động về một người con của làng đã nêu cao ý chí quyết thắng, trí thông minh sáng tạo trong xử lý tình huống trên đường đua bơi trải. Một ngôi miếu tuy cổ kính nhỏ bé nhưng đã để lại trong lòng mỗi người dân ở đây một sự thành kính sâu sắc.

Chuyện kể rằng, lễ hội “Lục niên cạnh độ” năm 1936 (Bính Tý), nhân dân làng Hà tổ chức hội bơi thuyền với các nơi khác như: Đồng Hải, Kẻ Địa, Quán Hàu, Lệ Thủy…Cuộc bơi thuyền diễn ra vô cùng sôi nổi, thuyền bè đi xem hội san sát hai bên bờ, họ cắm cờ, đánh chiêng, đánh trống làm náo động cả một khúc sông. Thuyền trải Muống Xanh do ông Nghị cầm lái, trong cuộc đua đang trên đà dẫn đầu của Hội trải, bỗng nhiên quai chèo lái của ông bị đứt mà trong trải không còn sợi nào dự trữ. Chiếc trải đang đi nhanh, mất đà, quay ngược lại, nước sông tràn vào thuyền một cách dữ dội khiến thuyền chìm dần. ông bèn hô anh em vớt lên tát nước, chỉnh đốn đội ngũ và ông đã dùng thắt lưng bằng lụa điều của mình làm quai chèo và tiếp tục cuộc đua, quyết đuổi theo trải bạn. Ông dồn tất cả sức bình sinh vào cây chèo lái và kêu gọi đồng đội trong trải vươn lên. Với đôi bàn tay tài giỏi, ông Nghị đã đưa chiếc thuyền trải cả làng mình từ chỗ cuối đoàn dần dần vượt lên và cuối cùng đã bỏ qua các thuyền bạn. Người dân làng Hà đứng trong bờ nóng lòng chờ đợi, nay thấy thuyền làng mình vượt lên hàng đầu thì reo hò vui sướng không sao tả xiết. Được sự cổ vũ của dân làng, ông Nghị như được truyền thêm sức mạnh, thế là ông càng vung mạnh mái chèo, lái con thuyền lướt nhẹ như bay về phía trước.

Khi đưa thuyền về đích, giành được chiến thắng, tận mắt nhìn thấy cảnh thắng lợi của làng mình, nhìn khuôn mặt hân hoan vui sướng của dân làng, ông cười với mọi người rồi buông tay tắt thở.

Cảm phục và thương tiếc trước cái chết cao cả của ông, nhân dân làng Hà tổ chức đưa rước và chôn cất ông rất chu đáo. Để tưởng nhớ công trạng của con người tài giỏi đó, dân làng đã lập miếu thờ cúng ông. Ngày nay, mỗi lần tổ chức lễ hội bơi trải người dân nơi đây vẫn kể chuyện Ông Nghị như hình ảnh một con người vừa khỏe, vừa có chí khí. Ở đình làng Sa Động, phù điêu Muống Xanh vẫn đang được thờ cho đến ngày nay.

* Bến đò Mẹ Suốt:

Nhắc đến Bảo Ninh không thể không nhớ tới Mẹ Suốt anh hùng - Tố Hữu đã viết về Mẹ Suốt:

Một tay lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày
Sợ chi sóng gió tàu bay
Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!
Kể chi tuổi tác già nua
Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!
Ngẩng đầu, mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ...
Gan chi gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai? ”

Những lý lẻ bình thường giản dị vậy mà đã tạo nên mọt con người anh hùng trên mảnh đất Bảo Ninh. Ngày xưa Bảo Ninh được gọi là Trường Sa - ghi dấu cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn. Về sau đổi thành Bảo Ninh với ngụ ý xem mình như một bức trường thành bảo vệ an ninh phía Đông cho Đồng Hới trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Sau thời kỳ phục hồi kinh tế quốc dân (1954-1957), Bảo Ninh đã có nhiều thay đổi, đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực kinh tế nhất là ngư nghiệp và vận tải. Trải quan10 năm xây dựng hòa bình, Bảo Ninh trở thành một tế bào nhỏ của miền Bắc đã lớn lên và trưởng thành cùng đất nước.

Giữa lúc nhân dân ta đang hay say lao động xây dựng đất nước thì đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thị xã Đồng Hới là một trong những nơi đầu tiên đế quốc Mỹ chọn làm trọng điểm đánh phá với ý đồ nhằm làm nhụt ý chí xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam của nhân dân ta cũng như hòng hủy diệt thị xã xinh đẹp bên bờ sông Nhật Lệ. Ngày 7/2/1965 giặc Mỹ huy động 160 lần chiếc máy bay phản lực hiện đại ồ ạt tấn công thị xã và các vùng lân cận. Đây là trận oanh tạc lớn mở màn cho cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của giặc Mỹ đối với nhân dân ta nói chung, Đồng Hới nói riêng. Biến căm thù thành hành động cách mạng, cả thị xã Đồng Hới, cả làng cát nhỏ bé Bảo Ninh đã dũng cảm kiên cường chiến đấu với máy bay Mỹ. Trên sông Nhật Lệ, đạn bom của máy bay Mỹ dội xuống đày đặc, những cột nước đen ngòm tung lên dữ dội, mẹ Nguyễn Thị Suốt vẫn một mình chèo đò chở bộ đội qua sông, bất chấp cả những lần máy bay bổ nhào, phóng róc két, bắn đạn 20 ly ngăn chặn, thuyền mẹ vẫn qua lại nối đôi bờ, vận chuyển đạn ra tàu chiến của hải quân, đồng thời làm nhiệm vụ đảm bảo giữ vững đường dây liên lạc giữa Đồng Hới với Bảo Ninh. Sau trận chiến ác liệt ấy, đò của mẹ vẫn tiếp tục nhiệm vụ đưa đón cán bộ, bộ đội, nhân dân qua sông trong những năm tháng đánh Mỹ đầy cam go ác liệt. Ngày mồng 1-1-1967, mẹ được tặng danh hiệu Anh hùng lao động với chiến công hiển hách phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ đã hy sinh ngày 11-10-1968 trong khi làm nhiệm vụ.

Mẹ Suốt đã góp phần xứng đáng của mình trong chiến công chung của quân dân Đồng Hới. Hình ảnh mẹ sống mãi trong lòng nhân dân Quảng Bình và nhân dân cả nước. Mẹ là biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Chiến công của mẹ gắn liền với bến đò ngang thuộc địa phận thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh qua Hải Đình, Đồng Hới. Cái tên "Bến đò Mẹ Suốt" rất đỗi thân thương, gần gũi, rất đỗi tự hào.

Ngày nay tượng đài Mẹ Suốt đã được dựng lên trong công viên tả ngạn bờ sông Nhật Lệ phường Hải Đình - Đồng Hới.

Đây là những địa chỉ tham quan du lịch, nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân thành phố và du khách gần xa khi đến với Quảng Bình bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm kích trước một bà mẹ bình thường nhưng rất đỗi anh hùng (Bến đò Mẹ Suốt), tìm hiểu tâm linh tín ngưỡng và nét đẹp văn hóa của ngư dân vùng biển (Lăng Cá Ông-Miếu Âm hồn-Miếu Ông Nghị). Kết hợp với các điểm du lịch nổi tiếng như: Bãi biển Bảo Ninh, Nhật Lệ, Cửa biển Nhật Lệ, khu du lịch sinh thái Sun Spa Resort-Mỹ Cảnh… tạo nên tuyến du lịch tắm biển; văn hóa, lịch sử và sinh thái phong phú, đa dạng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch ở Đồng Hới nói riêng và Quảng Bình nói chung.

                                                                                                           Mộng Thu

Các tin khác