Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

276 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 13154

  • Tổng 5.494.854

Chính sách pháp luật mới trong lĩnh vực đăng ký cư trú, cấp căn cước công dân từ ngày 01/7/2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Cư trú là một trong những quyền tự do cơ bản của công dân được khẳng định và ghi nhận trong các bản Hiến pháp của Nước CHXHCN Việt Nam qua các thời kỳ. Quyền tự do cư trú lần đầu tiên được cụ thể hóa thành một đạo luật độc lập từ năm 2006 và được sửa đổi, bổ sung năm 2013. Qua 15 năm thi hành, Luật Cư trú đã góp phần tích cực để công dân thực hiện tối đa quyền tự do cư trú, là công cụ hiệu quả để Nhà nước tiến hành quản lý dân cư.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, nhằm đảm bảo tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và ứng dụng khoa học – công nghệ tiến tiến trong quản lý cư trú, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cư trú. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm hướng dẫn việc thi hành Luật Cư trú, trong đó, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 55/2021/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú và Thông tư số 59/2021/TT-BCA hướng dẫn Luật Căn cước công dân (CCCD) với nhiều nội dung, chính sách pháp luật mới mà công dân trên địa bàn thành phố Đồng Hới cần sớm nắm bắt để thực hiện.
1.Chuyển thẩm quyền đăng ký thường trú về cho Công an cấp xã.
Theo quy định của Luật Cư trú năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đăng ký thường trú tại thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh do Công an thành phố, thị xã thực hiện; đăng ký tạm trú do Công an xã, phường, thị trấn thực hiện. Do đó, từ trước đến nay, công dân thành phố Đồng Hới đăng ký thường trú tại Công an thành phố và đăng ký tạm trú tại Công an các xã, phường.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Cư trú 2020: “Cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm: Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi không có đơn vị hành chính cấp xã”.
Như vậy, từ 01/7/2021, thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú chuyển về cho Công an xã, phường, công dân trên địa bàn thành phố Đồng Hới sẽ đăng ký thường trú, tạm trú tại Công an các xã, phường nơi mình sinh sống.
2. Thay đổi từ phương thức quản lý dân cư truyền thống bằng sổ hộ khẩu sang quản lý qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú...
Do thông tin của dân cư trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã khác so với thông tin thực tế của công dân nên phải thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Nếu không thu hồi, công dân vì lý do nào đó vẫn sử dụng thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không còn chính xác sẽ ảnh hưởng đến kết quả của những giao dịch cũng như những người có liên quan.
Lúc này, việc quản lý cư trú của công dân thực hiện thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC), thông tin của công dân trên CSDLQG về DC là cơ sở để thực hiện những giao dịch liên quan đến cư trú, khi đi làm các thủ tục hành chính, theo quy định, công dân sẽ sử dụng mã định danh cá nhân để cập nhật vào CSDLQG về DC.
Từ ngày 01/7/2021, cơ quan đăng ký cư trú không cấp mới, cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Trong mọi trường hợp, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú của công dân chỉ có giá trị sử dụng đến 31/12/2022.
3. Thu hồi CMND cũ khi đổi sang CCCD gắn chíp.
Khoản 3 Điều 11 Thông tư số 59/2021/TT-BCA nêu rõ: “Thu lại CMND, thẻ CCCD đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ CMND sang thẻ CCCD, đổi thẻ CCCD.”
Hiện nay, khi làm thủ tục chuyển từ CMND sang CCCD, chỉ trong trường hợp CMND hết hạn sử dụng hoặc bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) mới bị thu hồi. Việc thu hồi CMND cũ nhằm bảo đảm, sau khi được cấp CCCD có gắn chíp, thẻ CCCD sẽ là giấy tờ tùy thân duy nhất của công dân, có thông tin đầy đủ, chính xác, là cơ sở để công dân thực hiện các giao dịch.
4. Thêm trường hợp bắt buộc phải khai báo tạm vắng.
Từ ngày 01/7/2021, công dân đi khỏi phạm vi hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp hạn chế quyền tự do cư trú theo quy định của Luật Cư trú phải khai báo tạm vắng, nếu không sẽ bị xóa đăng ký thường trú.
Vì vậy, công dân đi khỏi nơi cư trú từ 12 tháng liên tục trở lên cần chú ý khai báo tạm vắng để không bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
5. Người dân được xác nhận thông tin cư trú ở bất cứ đâu.
Điều 17 của Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định, công dân yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú có thể trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
6. Chỉ một trường hợp phải xin cấp Giấy xác nhận số CMND.
Theo Khoản 1 Điều 12 Thông tư 59/2021/TT-BCA: “Mã QR code trên thẻ CCCD có lưu thông tin về số CCCD, số CMND. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin về số CCCD, số CMND của công dân thông qua việc quét mã QR code, không yêu cầu công dân phải cung cấp Giấy xác nhận số CMND, CCCD.”
Theo đó, từ ngày này, người dân không cần xuất trình Giấy xác nhận số CMND khi mã QR trên thẻ CCCD đã có các thông tin nêu trên. Chỉ trong trường hợp mã QR code trên thẻ CCCD không có thông tin về số CMND, số CCCD cũ cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp CCCD có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND, số CCCD cũ cho công dân khi có yêu cầu.
Hiện nay, mọi trường hợp chuyển từ CMND 9 số sang thẻ CCCD đều được cấp Giấy xác nhận số CMND do cơ quan quản lý CCCD nơi tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD thực hiện.
7. Thêm các trường hợp đương nhiên xóa đăng ký thường trú.
Điều 24 của Luật Cư trú 2020 quy định thêm các trường hợp xóa đăng ký thường trú công dân cần chú ý:
Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú ở chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh không nhằm mục đích định cư hoặc chấp hành hình phạt tù, các biện pháp xử lý hành chính tập trung.
Xóa đăng ký thường trú trong trường hợp không còn đảm bảo điều kiện về chỗ ở hợp pháp như: chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ; chuyển quyền sở hữu chỗ ở hợp pháp,…
Luật Cư trú năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để công dân có thể thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp, quản lý CCCD, phát huy tối đa tính năng ưu việt của CSDLQG về DC và Cơ sở dữ liệu CCCD, góp phần vào xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử trong tương lai.
 
Thượng tá Đinh Bá Quảng
Phó Trưởng Công an thành phố Đồng Hới
   
 

 

Các tin khác