Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

276 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 249

  • Tổng 5.481.931

Tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý việc đốt pháo các loại trong dịp Tết

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Cứ vào các dịp Lễ, Tết, các sự kiện văn hóa - thể thao trên địa bàn, lại xuất hiện các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ, pháo hoa trái phép xảy ra trong nhân dân, đã gây nhiều ảnh hưởng xấu đến đời sống và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương.

 

Pháo và thuốc pháo là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy nổ làm thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân; chưa kể đến các chi phí cho những người tàn tật và mất khả năng lao động do các hoạt động trái phép về pháo để lại.
Nhiều người dân chưa nhận thức được hành vi đốt các loại pháo nổ, pháo hoa là vi phạm pháp luật. Là mỗi người dân, nhận thức rõ được tác hại của pháo nổ, pháo hoa, chúng ta cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về sử dụng, buôn bán tàng trữ pháo, tố cáo các hành vi sử dụng, buôn bán tàng trữ trái phép chất pháo các loại, để tình trạng này không còn là vấn đề bức xúc trong xã hội, đảm bảo sức khỏe cho mọi người và tình hình an ninh trật tự trong dịp Lễ, Tết và các sự kiện diễn ra trên địa bàn.
Hiện nay, pháp luật quy định xử lý đối với các hành vi vi phạm về pháo nổ, pháo hoa như sau:
Xử phạt hành chính các hành vi vi phạm về pháo:
Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một trong những hành vi sau
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép các loại pháo.
Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ như sau:
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì pháo nổ được quy định là mặt hàng cấm, do vậy tất cả các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ sẽ bị xử lý hình sự (việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ những loại pháo hoa có tính chất như pháo nổ sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật), cụ thể:
- Các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6 kg đến dưới 40 kg, sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Các hành vi tàng trữ, vận chuyển với số lượng trên sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù.
- Các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 kg đến dưới 120 kg sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Các hành vi tàng trữ, vận chuyển với số lượng trên sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
- Các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120 kg trở lên sẽ bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm. Các hành vi tàng trữ, vận chuyển với số lượng trên sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
- Các hành vi gây rối trật tự công cộng do hành vi đốt pháo nổ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Trên địa bàn thành phố Đồng Hới công tác chỉ đạo phòng, chống các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng pháo đã được tăng cường, Công an thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố có Kế hoạch số 406/KH-UBND ngày 23/10/2018 về Phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng pháo để huy động các ban ngành, các cấp tham gia phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật về pháo, trong đó đã nêu rõ “nếu địa bàn nào để xảy ra tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo mà không phát hiện được hoặc không nà không xử lý nghiêm thì Chủ tịch UBND xã, phường phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố”.
Tính từ ngày Kế hoạch số 406/KH-UBND của UBND thành phố được ban hành, nhiều đối tượng vi phạm đã bị phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật. Công an thành phố đã bắt, lập hồ sơ xử lý 22 vụ/ 23 đối tượng đốt pháo các loại, xử phạt vi phạm hành chính thu qua Kho bạc Nhà nước 14,5 triệu đồng. Tính riêng trong đêm chung kết lượt về AFF Cup ngày 15/12/2018, Công an thành phố đã bắt, lập hồ sơ xử lý 15 vụ/ 16 đối tượng đốt pháo các loại, xử phạt vi phạm hành chính thu qua Kho bạc Nhà nước 13,5 triệu đồng. Các đối tượng vi phạm bị xử lý, Cơ quan Công an đã có thông báo về tận khu dân cư, cơ quan, trường học biết, để theo dõi và làm căn cứ để bình xét các danh hiệu thi đua cuối năm.
Chào Xuân Kỷ Hợi năm 2019, mỗi người dân cần nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, kiên quyết không đốt, không buôn bán, không vận chuyển các loại pháo hoa, pháo nổ. Các cơ quan chức năng, thôn, tổ dân phố và chính quyền các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo, trên địa bàn mình quản lý đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá; mừng Đảng, mừng xuân, đón mừng năm mới vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

                                                                                   H.H (Tổng hợp) 

Các tin khác