Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

276 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 1041

  • Tổng 5.555.863

Những điểm mới của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Ngày 27/11/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, thay thế cho Nghị định 36/2009/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành. Điểm nổi bật của Nghị định 137/2020/NĐ-CP là quy định cho phép người dân được bắn pháo hoa trong có dịp lễ, tết, sinh nhật,…Vậy, cần hiểu sao cho đúng về việc người dân được bắn pháo hoa trong dịp lễ, tết, sinh nhật? Nghị định số 137/2020/NĐ-CP còn có những điểm mới nào?

 1. Phân biệt PHÁO HOA NỔ và PHÁO HOA

Trước đây, Nghị định số 36/2009/NĐ-CP chỉ giải thích một số thuật ngữ cơ bản gồm: pháo nổ, pháo hoa, thuốc pháo nổ, thuốc pháo hoa, bắn pháo hoa tầm thấp, bắn pháo hoa tầm cao,…Nhằm tạo cơ sở cho hoạt động quản lý và sử dụng pháo, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP đã mở rộng thuật ngữ “pháo”, làm rõ nội hàm một số khái niệm, đặc biệt là khái niệm pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa, phân biệt rõ pháo hoa nổ và pháo hoa. Tại Điều 3 của Nghị định có quy định:

1. Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.

a) Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.

b) Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.”

Đây là căn cứ quan trọng nhằm xác định loại pháo nào người dân được phép sử dụng. Theo đó, công dân chỉ được bắn pháo hoa trong các dịp lễ, tết, sinh nhật,…mà không được sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ.

2. Mở rộng phạm vi các hành vi bị nghiêm cấm

Song song với việc pháp điển hóa, ghi nhận các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp, huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong quản lý, và sử dụng pháo, Nghị định 137/2020/NĐ-CP mở rộng phạm vi các hành vi bị nghiêm cấm theo hướng cấm tiến hành các hoạt động trên trái pháp luật. Tại Điều 5 của Nghị định có quy định nghiêm cấm các hành vi:

1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.

2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

8. Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

3. Quy định về công tác quản lý, bảo quản, tiêu hủy và giám định tư pháp về pháo

Đây là điểm mới của Nghị định 137/2020/NĐ-CP nhằm hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong công tác quản lý, bảo quản, tiêu hủy và giám định tư pháp về pháo, khắc phục những hạn chế, thiếu sót của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP qua hơn 10 năm thực hiện.

4. Quy định các trường hợp được sử PHÁO HOA NỔ và PHÁO HOA

Kế thừa Nghị định 36/2009/NĐ-CP, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp được bắn pháo hoa nổ tại Điều 11 như: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Quốc khánh, Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ,...

Nghị định cũng quy định rõ việc tổ chức bắn pháo hoa nổ do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện theo quy định.

Mọi hành vi sử dụng pháo hoa nổ không do UBND cấp tỉnh quyết định và thực hiện đều vi phạm pháp luật.

Song song với đó, Điều 17 của Nghị định này quy định về việc sử dụng pháo hoa, cụ thể:

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Việc sử dụng pháo hoa được tiến hành khi cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, loại pháo sử dụng là pháo hoa.

Theo quy định tại phần giải thích từ ngữ, pháo hoa là loại pháo chỉ phát sáng, không gây ra tiếng nổ, thường thấy như pháo bông, pháo điện, pháo phụt,…hoặc các loại pháo khi bắn không gây ra tiếng nổ mà chỉ phát sáng, khác với pháo nổ, pháo hoa nổ là loại pháo gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ.

Thứ hai, chủ thể có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

Theo quy định của Bộ luật dân sự, người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp bị tuyên bố mất năng lực hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Công dân chỉ bị mất năng lực hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi khi có quyết định của toà án về việc hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

Thứ ba, nguồn pháo hoa phải do tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa cung cấp.

Tại Điều 14 của Nghị định này có quy định: “Việc nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện.”

Như vậy, chỉ có tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc Bộ Quốc phòng và không đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 14 tiến hành sản xuất, kinh doanh pháo hoa đều trái pháp luật.

Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo hoa không do các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất, kinh doanh đều vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi buôn lậu, mua bán pháo hoa qua biên giới.

Các tổ chức, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng mua, vận chuyển pháo hoa để kinh doanh phải có giấy phép mua pháo hoa để kinh doanh và giấy phép vận chuyển pháo hoa cho tổ chức, doanh nghiệp để kinh doanh do Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cấp. Thời hạn của giấy phép mua pháo hoa để kinh doanh là 30 ngày. Thời hạn của giấy phép vận chuyển pháo hoa cho tổ chức, doanh nghiệp để kinh doanh là 07 ngày.

Hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Nghị định 137/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 11/01/2021, ngay trước thềm tết Nguyên đán Tân Sửu. Vì vậy, việc nắm rõ các quy định của pháp luật về pháo là vô cùng cần thiết và quan trọng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, tránh trường hợp vi phạm do thiếu nhận thức, hiểu biết.

 

Thượng tá Đinh Bá Quảng

 

 

Các tin khác