Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

276 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 279

  • Tổng 5.557.358

Những quy định mới của pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Qua sáu năm áp dụng, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC đạt kết quả trên nhiều mặt, tiêu biểu là số vụ cháy và thiệt hại về người và tài sản do cháy giảm qua từng năm. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót, chưa sát với tình hình thực tế.

Với ba quan điểm chủ đạo: (1) Mở rộng phạm vi quản lý đối với các đối tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về PCCC; (2) Đơn giản điều kiện an toàn về PCCC đối với các đối tượng không cần thiết; (3) Tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, Nghị định 136/2020/NĐ-CP, ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC với nhiều điểm mới đã cơ bản khắc phục được những tồn tại trong việc áp dụng pháp luật.

Mở rộng phạm vi cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC

Theo đó, Điều 6 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP đưa ra quy định về điều kiện an toàn về PCCC của khu dân cư. Cụ thể, khu dân cư là nơi sinh sống của cá nhân, hộ gia đình được bố trí trên phạm vi thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương (gọi chung là thôn). Một thôn được xác định là một khu dân cư thuộc diện quản lý về PCCC. Các điều kiện an toàn về PCCC tại khu dân cư gồm:

- Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

- Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

Nghị định 136/2020/NĐ-CP còn bổ sung một số loại hình cơ sở vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC như: nhà trọ, trường tiểu học, trung học cơ sở; nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình; cửa hàng tiện ích...

Việc bổ sung khu dân cư, các cơ sở như nhà trọ, chi tiết hóa các cơ sở giáo dục vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC là phù hợp với tình hình thực tế vì hiện nay, các cơ sở này luôn có nhiều người học tập, sinh hoạt, ngay sát các khu dân cư, nhiều khu dân cư có tốc độ đô thị hoa cao, lối ra vào khá hẹp, không có lối thoát hiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn PCCC, cần chú trọng đến phòng cháy để hạn chế sự cố cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Đơn giản hóa điều kiện an toàn về PCCC cho phương tiện giao thông

Ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên đến 09 chỗ ngồi không còn phải lắp đặt phương tiện chữa cháy trên xe từ 10/01/2021.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng phương tiện, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy với phương tiện giao thông cơ giới từ 04 chỗ ngồi trở lên đến 09 chỗ ngồi chỉ cần:

1. Đảm bảo điều kiện hoạt động đã được kiểm định.

2. Vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Được phá, dỡ nhà, công trình khi chữa cháy trong 03 trường hợp cần thiết

1. Có người đang bị mắc kẹt trong đám cháy hoặc đám cháy đang trực tiếp đe dọa tính mạng của nhiều người.

2. Đám cháy có nguy cơ trực tiếp dẫn đến nổ, độc; nguy cơ tác động xấu đến môi trường; nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản; khả năng gây tác động ảnh hưởng xấu về chính trị, đối ngoại nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

3. Nhà, công trình, vật chướng ngại cản trở việc triển khai chữa cháy mà không có cách nào khác để chữa cháy đạt hiệu quả cao hơn.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Một là, Nghị định 136/2020/NĐ-CP có nhiều điểm bổ sung, hướng tới việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chính quyền địa phương, phù hợp theo phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC là: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định theo hướng giảm số lần Cảnh sát PCCC kiểm tra định kỳ cơ sở trong năm, thay vào đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, lãnh đạo UBND cấp xã, chủ phương tiện cơ giới, chủ hộ gia đình, chủ rừng... Ngay chính trong điều kiện an toàn PCCC đối với khu dân cư cũng nêu rõ do chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Hai là, Nghị định 136/2020/NĐ-CP ban hành quy định danh mục cơ sở do UBND cấp xã quản lý, bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới của Bộ Công an, một lần nữa đã nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương khi quy định rõ, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ 1 năm/lần.

Những quy định mới về bảo đảm an toàn PCCC không chỉ thực hiện tốt chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, mà còn hạn chế tối đa những nguyên nhân, điều kiện phát sinh những sự cố gây mất an toàn về PCCC đối với người và tài sản.

Chấp hành pháp luật về PCCC là trách nhiệm của mỗi công dân, góp phần bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho bản thân và những người xung quanh./.

                                                                          Thượng tá Đinh Bá Quảng

                                                            Phó Trưởng Công an thành phố Đồng Hới

Các tin khác