Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

276 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 6346

  • Tổng 5.488.038

Cần thận trọng khi đưa thông tin trẻ em lên mạng xã hội

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vô tư trong việc đưa các thông tin, dữ liệu các nhân của con lên trên không gian mạng. Tuy nhiên, cũng cần phải cảnh giác trước các trường hợp tội phạm công nghệ cao lợi dụng hình ảnh, thông tin này nhằm mục đích xấu, dẫn đến hệ lụy mà chúng ta không thể lường trước được.

Trao đổi với phóng viên, em Trương Ngọc Minh Thư (học sinh Trường THCS số 1 Nam Lý) kể, mẹ em rất thích chụp ảnh gia đình, chụp ảnh em để đăng tải lên các trang mạng xã hội như zalo, facebook, instagram.... Việc này khiến em không thích vì đến lớp các bạn thường trêu đùa nên em không muốn trên trang Facebook, zalo của mẹ lại tràn ngập hình ảnh của mình. Dù đã nói với mẹ nhiều lần nhưng được một thời gian thì mọi việc vẫn tiếp diễn như bình thường. Bởi vậy, giờ đây mỗi lần mẹ yêu cầu chụp hình, em đều tìm cách để né tránh.

Việc bị chia sẻ rộng rãi ảnh khuôn mặt, thông tin đời tư và nhận lại những phản ứng tiêu cực sẽ khiến các em bị tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống cá nhân, nhất là khi các em đang trong giai đoạn tuổi mới lớn và có những hiểu biết, nhận thức nhất định. Về lâu dài, trẻ em sẽ cảm thấy mặc cảm, tổn thương, sợ hãi, thậm chí dẫn đến hậu quả trẻ sẽ nghĩ đến những hành động dại dột  khi đối diện với sự chỉ trích, nhận xét, đánh giá, kỳ thị, hoặc những thông tin bịa đặt từ bên ngoài. Bên cạnh đó, việc phụ huynh phát tán hình ảnh con trẻ lên mạng xã hội có nguy cơ biến các em thành đối tượng cho những tội phạm chuyên săn lùng trẻ em.

 Có nhiều lý do để các phụ huynh đăng tải hình ảnh, thông tin của con mình: Lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp; chia sẻ hình ảnh của các bé với người thân... và thậm chí là “khoe” hình ảnh con trẻ với cộng đồng mạng. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Lan Phương ở phường Đồng Hải việc chia sẻ hình ảnh của các bé trong một chừng mực nào đó vẫn có thể chấp nhận được: “Bạn bè tôi cũng thường xuyên đăng tải hình ảnh của các con. Tôi nghĩ, nếu những hình ảnh được lựa chọn, cân nhắc kỹ và không quá riêng tư thì việc chia sẻ cũng là bình thường”. Chị Phương cũng không đồng tình với quan điểm đăng tải những thông tin cá nhân như kết quả học tập và bảng điểm của con lên các trang mạng xã hội.

Có thể với nhiều phụ huynh, đây là cách họ động viên con trẻ sau một năm học vất vả; cách chia sẻ cảm xúc, kinh nghiệm nuôi dạy con... Nhưng việc làm này cũng có nhiều tác động đến tâm tư, suy nghĩ của trẻ em. Với những bảng điểm “đẹp”, trẻ dễ này sinh tâm lý tự cao tự đại do nhận được nhiều lời khen. Ngược lại, với những trẻ thành tích học tập còn hạn chế thì cũng dễ có tâm lý xấu hổ vì thua kém bạn bè. Vô hình chung, sẽ triệt tiêu ý chí cố gắng vươn lên trong học tập của các bé.

Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Đồng Hới cho biết: “Đã có học sinh đến gặp tôi và tâm sự không muốn ở nhà vì bố mẹ thường so sánh em với những bạn có có bảng điểm cao được đưa lên facebook. Sau khi tôi trao đổi, phụ huynh mới nhận thấy sự nguy hại của những việc tưởng chừng như rất bình thường”. Rõ ràng, việc chia sẻ những thông tin như bảng điểm, thành tích học tập đều sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra áp lực tâm lý đối với các bé.

Ngoài ra, có rất nhiều phụ huynh có sở thích “khoe” con trên mạng xã hội. Điều này vô tình biến các em thành "con mồi" của tội phạm "săn lùng trẻ em" khi những kẻ xấu có được thông tin, hình ảnh của trẻ. “Những thông tin như trẻ bao nhiêu tuổi, học ở trường nào, số điện thoại, địa chỉ nhà… là những thông tin mà những kẻ xấu có thể lợi dụng để qua đó tấn công trẻ. Không chỉ là những vụ lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của phụ huynh như “cháu bị tai nạn cần phẫu thuật gấp”, các đối tượng xấu có thể từ nhắn tin, gọi điện để dụ dỗ, sau đó dẫn tới bắt cóc, xâm hại trẻ".

Mới đây, hàng loạt các vị phụ huynh ở các thành phố bị lừa đảo số tiền lớn với chiêu thức con bị cấp cứu, cần tiền để phẩu thuật gấp. Và theo cơ quan điều tra, 80% do chính cá nhân tự lộ thông tin. Nhiều bậc phụ huynh vô tình làm lộ lọt thông tin cá nhân qua thói quen lên mạng xã hội đăng ảnh con cùng các loại giấy tờ, giấy khen... Điều này đã tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo. Từ ngày 1/7/2017, Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em. Nghị định  cũng đã quy định rõ thông tin bí mật đời tư của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, địa chỉ thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em… Cụ thể, đối với trẻ chưa đủ 7 tuổi thì cha mẹ có quyền quyết định, nhưng phải xem xét dựa trên mục tiêu vì sự phát triển tốt nhất của trẻ; trong trường hợp trẻ từ 7 tuổi trở lên, cha mẹ cần hỏi ý kiến trẻ trước khi tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ. Ngoài ra, nếu cha mẹ nêu rõ các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, địa chỉ thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em… cũng sẽ bị phạt.

Mạng xã hội là môi trường rất khó kiểm soát thông tin. Những hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ không nên bị xuất hiện quá nhiều trên các trang mạng xã hội. Điều này sẽ tạo điều kiện cho nhiều kẻ xấu bắt chuyện làm quen, có hành vi lợi dụng, xâm hại hoặc bắt cóc. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần thận trọng khi đăng tải các thông tin cá nhân của con mình lên các trang mạng xã hội./.

Diệu Linh

Các tin khác