Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

276 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 1123

  • Tổng 5.555.945

Đồng Hới phát huy vai trò của chủ thể tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Xem với cỡ chữ : A- A A+
  Cùng với việc hỗ trợ các bước thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Gọi tắt là Ocop), thời gian qua, thành phố Đồng Hới đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình đối với người dân, các tổ chức kinh tế trên địa bàn. Qua đó, nhằm phát huy vai trò của các chủ thể trong việc chủ động đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm Ocop.

 Sau 5 năm thực hiện mô hình trang trại nuôi chim trĩ thương phẩm và xây dựng chuỗi liên kết “từ trang trại đến bàn ăn”, sản phẩm chim trĩ của trang trại anh Phạm Anh Tuân ở thôn 6, xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới đã từng bước tạo được chỗ đứng trên thị trường. Với quy mô 70 chuồng chim giống và gần 300 chim bố mẹ, 1000 con chim thịt thương phẩm, trung bình mỗi tháng, anh Tuân xuất ra thị trường 500 – 600 con chim giống và chim thịt, hơn 3 ngàn quả trứng. Thu nhập bình quân hàng năm của trang trại nuôi chim trĩ và nhà hàng của anh Phạm Anh Tuân là trên 300 triệu đồng/ năm.
Qua quá trình tìm hiểu về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, được tham gia các lớp tập huấn do thành phố và xã tổ chức, hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình. Đầu năm 2021, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, anh Tuân đã đăng ký sản phẩm chim trĩ tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hiện nay, anh Phạm Anh Tuân đã từng bước đầu tư trang thiết bị, hiện đại hóa quy trình sản xuất, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định để tham gia đánh giá, bình xét sản phẩm Ocop thành phố vào cuối năm 2021.
Anh Phạm Anh Tuân, Thôn 6, xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới chia sẻ: “Hiện nay tôi đang nghiên cứu, học hỏi để nâng cao chất lượng các sản phẩm từ chim trĩ, đặc biệt là đem sản phẩm chim trĩ dược liệu chế biến các món ăn cho mọi người thưởng thức”.  
 Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018, đến nay, các sản phẩm Thủy hải sản của HTX chế biến, bảo quản Thủy hải sản Phương Hiền ở thôn Tây Phú, xã Quang Phú đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Năm 2020, sản phẩm tôm sấy khô của HTX chế biến, bảo quản Thủy hải sản Phương Hiền đã được UBND thành phố Đồng Hới đánh giá, bình xét và công nhận đạt sản phẩm Ocop cấp thành phố.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chế biến, bảo quản thủy hải sản Phương Hiền cho biết: “Hiện nay, các thành viên trong Hội đồng quản trị HTX đang xúc tiến hoàn thiện các điều kiện về xây dựng nhà xưởng, các thủ tục, hồ sơ đưa sản phẩm tôm sấy khô của HTX tham gia bình chọn sản phẩm Ocop cấp tỉnh thời gian tới”.
Cùng với sự nỗ lực của các chủ thể tham gia xây dựng sản phẩm Ocop, các cấp chính quyền địa phương đã có những chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để đưa các sản phẩm tiêu biểu tham gia bình xét sản phẩm.
Ông Lê Nhất Vỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới nói: “Trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao thì tiêu chí sản phẩm Ocop là một tiêu chí quan trọng. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân, những cơ sở sản xuất, người dân có các mặt hàng đủ tiêu chuẩn để đưa vào danh mục xây dựng sản phẩm ocop của xã. Qua đó, tạo điều kiện cho các sản phẩm có chất lượng là sản vật đặc trưng của địa phương được nhiều người biết đến”.
 Sau 2 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, hiện thành phố Đồng Hới đã có 4 sản phẩm Ocop đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Đó là các sản phẩm rượu sim Hùng Nhung của cơ sở sản xuất Trần Thị Nhung (nay là Công ty TNHH SXTM và Dịch vụ An Nhiên); Khoai gieo Linh Huệ của Công ty TNHH Linh Huệ ở phường Bắc Lý và 2 sản phẩm mực khô và nước mắm của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ chế biến thủy sản Long Tám, thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh. Trong 2 năm 2021 - 2022, Đồng Hới phấn đấu có 4 đến 5 sản phẩm tham gia và được đánh giá xếp hạng theo tiêu chuẩn Ocop cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND thành phố Đồng Hới nói: “Cùng với sự hỗ trợ của thành phố và UBND các xã, phường thì hơn hết là vai trò, sự quyết tâm của các chủ thể có sản phẩm thực hiện chu trình để tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm Ocop hàng năm. Vì đây là điều kiện tiên quyết để các chủ thể tự khẳng định thương hiệu sản phẩm, từng bước khẳng định vị thế, thương hiệu sản phẩm trên thị trường, tăng quy mô sản xuất và doanh thu, chủ động trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình đến thị trường tiềm năng” .
Các chủ thể tham gia vào chương trình Ocop trên địa bàn thành phố Đồng Hới đã được các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ, đồng hành từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, qua kết quả đánh giá, phân hạng chi tiết các sản phẩm và hướng dẫn của cơ quan chức năng, các chủ thể nhận biết những lợi thế và những hạn chế của sản phẩm để có chiến lược điều chỉnh phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội và nhu cầu thị trường. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập. Đây cũng chính là mục tiêu mà chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” hướng đến.
Cái Huệ

                                                                                               

Các tin khác