Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

276 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 1888

  • Tổng 5.558.966

Đồng Hới xây dựng nông thôn mới bền vững thích ứng với quá trình đô thị hóa

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm này trên địa bàn thành phố đã có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định mới, 2 xã Bảo Ninh và Quang Phú đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí đạt xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để được UBND tỉnh công nhận vào năm 2022. Với vị thế của một đô thị loại II và hướng đến xây dựng Đồng Hới trở thành thành phố du lịch, vấn đề đặt ra đối với các cấp chính quyền địa phương đó chính là cần phải xây dựng nông thôn mới thích ứng với quá trình đô thị hóa, tạo sự phát triển đồng đều giữa các xã nông thôn mới vùng ven với các phường trung tâm thành phố.

Thành phố Đồng Hới có 6 xã trên tổng số 15 đơn vị tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đó là các xã Thuận Đức, Nghĩa Ninh, Đức Ninh, Lộc Ninh,  Bảo Ninh và Quang Phú.

Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh như hiện nay, việc xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng ven thành phố cũng đang phải thích nghi với quá trình này, đảm bảo vừa giữ được bản sắc các vùng quê, vừa tiến kịp với quá trình phát triển đô thị. Trong đó, yêu cầu đặt ra đối với các xã nông thôn mới đó là cần phải có quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và đổi mới cách thức sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, giữ gìn vệ sinh môi trường; nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giảm tỷ lệ chênh lệch về hộ nghèo giữa các xã nông thôn mới và các phường trên địa bàn.

Trên cơ sở kết quả đạt được sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Hới xác định rõ mục tiêu đó là: xây dựng nông thôn mới bền vững, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, tạo liên kết chuỗi, gắn với phát triển nông - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; phát triển văn hóa giàu bản sắc dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Là xã đầu tiên của thành phố phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022, Bảo Ninh luôn xác định rõ các thế mạnh của địa phương đó là kinh tế biển gắn với du lịch dịch vụ để chú trọng đầu tư phát triển.

   Trên lĩnh vực kinh tế, xã Bảo Ninh gắn phát triển sản xuất với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, xã Bảo Ninh đã có vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, kinh doanh hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu theo tiêu chuẩn VIETGAP. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc canh tác, sản xuất, trồng trọt. Xã đã thành lập được 3 hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và dịch vụ nghề biển, đó là các Hợp tác xã chế biến thủy sản Long Tám, Hợp tác xã dịch vụ ẩm thực Ngói Xưa; Hợp tác xã đan vá lưới thôn Đồng Dương. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội địa phương đã có những thay đổi vượt bậc, hiện đại theo hướng đồng bộ. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang. Các lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục, y tế, thương mại nông thôn được tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đời sống người dân từng bước được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/ người/ năm. Tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động đạt trên 96%.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư đảng ủy xã Bảo Ninh cho biết: “Hiện nay, xã Bảo Ninh đang tập trung gấp rút hoàn thiện 2 tiêu chí hành chính công và nước sạch môi trường theo quy định của tỉnh nhằm sớm được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng lộ trình đề ra, tạo đà cho những bước đi mới, đưa xã Bảo Ninh ngày càng phát triển ”

               Mô hình chế biến thủy sản của chị Đào Thị Tám, xã Bảo Ninh

    Với mục tiêu đạt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022, thời gian qua, xã Quang Phú đã huy động mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích cộng đồng. Kinh tế phát triển khá, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khang trang. Cơ cấu kinh tế địa phương từng bước chuyển dịch theo hướng từ chú trọng nghề biển sang hướng dịch vụ, thương mại, du lịch, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển của thành phố nói chung và phát huy được lợi thế của địa phương. Hiện nay, nền kinh tế địa phương đang hình thành các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, các dịch vụ buôn bán hàng hóa dần dần được hình thành. Cùng với phát triển thương mại dịch vụ du lịch biển, Quang Phú đã đa dạng hóa các ngành nghề mộc, hàn, chăn nuôi nhím, hươu với phương thức sản xuất được đầu tư chặt chẽ về máy móc, thiết bị cho hiệu quả kinh tế cao. Lĩnh vực văn hóa xã hội từng bước phát triển, các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái được chú trọng. Công tác quy hoạch đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống người dân. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 60 triệu đồng/ người/ năm, cao gấp hơn 1,2 lần so với mức quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng số lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt trên 95%.

    Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Phú cho biết: “Trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao thì tiêu chí sản phẩm Ocop là một tiêu chí quan trọng. Hiện nay, UBND xã đang hỗ trợ HTX chế biến, bảo quản Thủy hải sản Phương Hiền ở thôn Tây Phú, xã Quang Phú hoàn thiện các điều kiện để đưa sản phẩm tôm sấy khô tham gia bình xét sản phẩm ocop cấp tỉnh. Cùng với đó, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân, những cơ sở sản xuất, người dân có các mặt hàng đủ tiêu chuẩn để đưa vào danh mục xây dựng sản phẩm ocop của xã. Qua đó, tạo điều kiện cho các sản phẩm có chất lượng là sản vật đặc trưng của địa phương được nhiều người biết đến”.

   Các xã nông thôn mới còn lại là Thuận Đức, Đức Ninh, Nghĩa Ninh và Lộc Ninh dựa vào thế mạnh của địa phương cũng đã có những hướng đi mới phù hợp trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu vào các giai đoạn 2021 – 2025 và đến giai đoạn 2025 – 2030 phấn đấu đạt 100% xã theo kế hoạch của Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố Đồng Hới.

                               Mô hình chim trĩ của anh Phạm Anh Tuân, xã Lộc Ninh

Gắn kết xây dựng nông thôn mới với đô thị hóa và tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hướng đi đúng đắn đang được thành phố tập trung thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ. Trong đó, giải pháp tập trung là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn sản xuất với thị trường để hình thành sự liên kết nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ và thị trường ngay trên địa bàn nông thôn. Với các giải pháp đầu tư hạ tầng cho kinh tế - văn hóa - xã hội, phát triển sản xuất sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách chất lượng cuộc sống giữa các xã nông thôn mới vùng ven thành phố và các phường nội thành, mở ra nhiều cơ hội khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Đồng Hới trở thành thành phố du lịch, xứng đáng với vị thế là đô thị loại 2, trung tâm của tỉnh Quảng Bình .

                                                                           Cái Huệ

Các tin khác