Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

276 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 1743

  • Tổng 5.558.821

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Xem với cỡ chữ : A- A A+

        Từ bản lĩnh được tôi rèn trong quân ngũ, khi trở về với cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh (CCB) ở thành phố Đồng Hới lại tiếp tục xông pha trên trận tuyến mới, trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế. Với họ làm kinh tế không chỉ làm giàu cho gia đình, quê hương mà còn khẳng định bản lĩnh, ý chí vươn lên.

        Chúng tôi đến thăm gia đình CCB Nguyễn Công Định tại thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh vào một buổi chiều cuối năm. Dù đã ở tuổi 72 nhưng ông Định vẫn rất nhanh nhẹn, vừa tiếp chuyện chúng tôi, ông Định vừa luôn tay cân mắm, cân ruốc bán cho những khách hàng đang đến mua tại cơ sở sản xuất chế biến mắm các loại của gia đình. Bà Hoàng Thị Thương, vợ ông Định cho biết, ngoài các mối nhập hàng thường xuyên thì lượng khách lẻ đến mua tại cơ sở của gia đình cũng rất đông. Riêng trong ngày hôm nay gia đình bà đã thu về hơn 2 triệu từ tiền bán mắm các loại.

Description: C:\Users\Administrator\Desktop\IMG_5453.jpg
CCB Nguyễn Công Định, xã Bảo Ninh đang chia sẻ kinh nghiệm làm mắm ruốc

       Năm 1977, sau khi phục viên trở về quê hương, cựu chiến binh Nguyễn Công Định xây dựng gia đình với nhiều khó khăn, thử thách. Vợ chồng ông phải xoay xở nhiều nghề, nhiều công việc khác nhau để đảm bảo nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Trăn trở tìm hướng làm giàu, việc đầu tiên ông nghĩ đến là phát huy tiềm năng, lợi thế của làng biển Bảo Ninh để kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học. Năm 1998, ông bàn với gia đình đầu tư mở xưởng chế biến hải sản làm mắm ruốc, mắm thính, nước mắm. Với phẩm chất người lính Cụ Hồ, được tu dưỡng, rèn luyện trong môi trường quân đội ông Định đã động viên vợ con cùng nêu cao tinh thần hăng say lao động quyết tâm vượt lên đói nghèo. Qua đó, nhiều năm nay sản phẩm mắm các loại mang tên “Thương Định” đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, tin dùng.

       Không chỉ là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Nguyễn Công Định còn tham gia nhiệt tình các hoạt động công tác Hội tại địa phương, thường xuyên giúp đỡ những gia đình hội viên cựu chiến binh và nhân dân trong thôn có hoàn cảnh khó khăn hơn, như chia sẻ về kỹ thuật, cách làm kinh tế hộ gia đình, cho mượn vốn giúp nhau từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.

       Hội CCB xã Bảo Ninh hiện có 641 hội viên, sinh hoạt tại 8 chi hội. Những người lính sau những năm tháng phục vụ trong quân ngũ lại trở về với biển. Phát huy ý chí, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", cần cù trong lao động, những cựu chiến binh của làng biển đã không ngại khó khăn, vươn lên làm giàu trở thành những điển hình trong phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế" tại địa phương.

       Đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình CCB Lê Văn Chương thôn Thuận Vinh, xã Thuận Đức chúng tôi bị ấn tượng trước sự chăm chút, tỉ mỉ của ông và một vườn ổi sai quả cùng những bụi thanh long đỏ đang vươn cành phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

       Sau khi rời quân ngũ, bằng ý chí, nghị lực của người lính và khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Chương đã quyết định cải tạo khu đất ở vườn nhà để trồng cây ăn quả. Nhận thấy cây ổi và thanh long ruột đỏ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, hơn nữa lại cho hiệu quả kinh tế cao nên ông đã mạnh dạn mở rộng diện tích. Đến nay vườn cây ăn quả đã mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông.

       Với mong muốn làm kinh tế đạt hiệu quả cao, ông Chương cũng thường xuyên tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, đồng thời tự nghiên cứu, tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với đồng đất để đạt năng suất, hiệu quả cao. Hiện nay, ngoài ổi và thanh long ruột đỏ ông Chương đang trồng thử nghiệm một số loại cây trồng khác, hướng tới đa dạng cây trồng.

       Mô hình làm kinh tế khép kín VAC của CCB Lê Xuân Nghĩa, thôn Thuận Hòa cũng là một điển hình tiêu biểu tại xã Thuận Đức. Tham gia quân ngũ năm 1969, CCB Lê Xuân Nghĩa khi đó là quân nhân lái xe tải trên tuyến đường Trường Sơn. Sau khi giải ngũ, ông Nghĩa trở về quê hương bắt tay làm kinh tế trang trại. Trên mảnh đất 3 hecta, ông Nghĩa vừa trồng cao su, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và đào ao thả cá. Nhờ biết tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có của gia đình và phát huy tinh thần yêu lao động, ý chí kiên cường, mưu lược của người lính lái xe vận tải năm xưa nên kinh tế gia đình CCB Lê Xuân Nghĩa từng bước được cải thiện. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông từ 200 đến 300 triệu đồng.

       Ông Lương Kim Chung, Chủ tịch Hội CCB thành phố Đồng Hới cho biết: Từ phong trào thi đua “CCB gương mẫu” nói chung và thi đua làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa nghèo, đến nay các cấp Hội CCB thành phố Đồng Hới đã thành lập được Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi với 63 doanh nghiệp, 32 tổ hợp tác, 171 cơ sở kinh doanh dịch vụ và 22 trang trại, gia trại cho CCB làm chủ.

        Với phong trào thi đua CCB sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các hội viên Hội CCB trên địa bàn thành phố Đồng Hới đã góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở địa phương ngày càng phát triển./.

Mai Phương

Các tin khác