Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

286 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 224

  • Tổng 9.345.858

Hiệu quả bước đầu từ mô hình “Chợ giảm thiểu túi nilon” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đồng Hải

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và thói quen sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần của các tiểu thương, người tiêu dùng, hội viên phụ nữ, từ tháng 10/2024 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đồng Hải đã thực hiện mô hình “Chợ giảm thiểu túi nilon” tại chợ Đồng Hới. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Bà Nguyễn Thị Bích Lành, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đồng Hải cho biết: “Thực hiện kế hoạch số 80, ngày 19/8/2024 của Ban thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đồng Hới về thực hiện mô hình “Chợ giảm thiểu túi nilon”, ngay từ đầu tháng 10/2024, Hội đã họp Hội nghị Ban chấp hành triển khai đến các chi hội, phát động mỗi hội viên mỗi ngày giảm 1 túi nilon ra môi trường. Bước đầu thực hiện mô hình này, hội cũng gặp một số khó khăn vì chị em chưa hiểu rõ ý nghĩa của mô hình. Bằng sự tuyên truyền, vận động của các chị trong ban chấp hành, chi hội trưởng các chi hội, nhờ đó, chị em đã hiểu và cùng nhau thực hiện tốt mô hình”.


Các Chi hội trưởng nộp túi nilon tái chế lên hội phường

Hình thức thực hiện mô hình đó là, mỗi ngày đi chợ về với rất nhiều loại túi đựng nilon, nhiều kích cỡ khác nhau, chị em tiến hành gom lại túi đã qua sử dụng đang mới, giặt sạch, phơi khô, phân loại kích cỡ, xếp ngay ngắn, gọn gàng. Đến ngày cuối mỗi tháng, các chi hội tập hợp nộp lên hội phường. Sau đó, các chị chi hội trưởng các chi hội trực tiếp ra bỏ túi nilon tái chế vào hai tủ được đặt tại hàng cá và hàng rau ở chợ Đồng Hới để tiện cho các tiểu thương và người dân đến lấy sử dụng khi cần. Tùy vào điều kiện thực tế của từng chi hội, các chi hội đã phát động trong cán bộ, hội viên thực hiện mô hình với các chỉ tiêu phù hợp.


Điểm tiếp nhận túi nilon đã qua sử dụng

Tại Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Phú Mỹ, phường Đồng Hải, chi hội đã đưa ra chỉ tiêu mỗi tổ, nhóm mỗi tháng nộp lên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 0,6 kg túi ni lon tái chế để bỏ vào thùng đựng túi nilon đã qua sử dụng sạch đặt tại chợ Đồng Hới. Thấy được ý nghĩa thiết thực từ việc làm nhỏ này, các chị em hội viên trong chi hội tích cực hưởng ứng và vận động gia đình, người thân cùng nhau làm tốt mô hình này.

Bà Trần Thị Diệu Hồng, chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố Phú Mỹ cho biết: “Sau hơn 2 tháng thực hiện mô hình “Chợ giảm thiểu túi nilon”, chi hội đã thu được 4kg túi nilon đã qua sử dụng được giặt sạch. Đây là một việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, góp phần giảm túi nilon thải ra môi trường, làm cho môi trường trong lành hơn”.

Để góp phần thực hiện tốt mô hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đồng Hải đã thường xuyên phối hợp với Ban quản lý Chợ Đồng Hới và Chi hội phụ nữ tiểu thương chợ Đồng Hới tiến hành tuyên truyền chị em tiểu thương, cán bộ, hội viên  và bà con nhân dân chung tay hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”, “nói không với túi ni lon và sản phẩm từ nhựa sử dụng 1 lần”. Cụ thể hướng dẫn, vận động người dân đi mua sắm tại chợ thay đổi thói quen sử dụng túi nhựa và túi nilon, bằng cách mang theo túi vải, làn nhựa, hộp nhựa, túi lưới, túi giấy và các đồ dùng được làm từ những chất liệu thân thiện môi trường khác… Các tiểu thương buôn bán tại chợ thì chủ động sử dụng lá chuối, báo, túi giấy để gói các sản phẩm cho người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Việt Trinh, Tổ Dân phố Đồng Đình, phường Đồng Hải chia sẻ: “Trước đây khi đi chợ, tôi thường xuyên sử dụng túi nilon để đựng thực phẩm, rau quả vì nó tiện lợi, nhanh gọn. Nhưng sau khi tham gia thực hiện mô hình “Chợ giảm thiểu túi nilon” do chi hội phát động, được tuyên truyền về tác hại của túi nilon, tôi đã chuyển sang dùng giỏ nhựa để đi chợ và hạn chế sử dụng túi nilon một cách tối đa nhất. Mỗi ngày, tôi đã tiết kiệm và tái chế được từ 2-3 túi nilon để cùng chị em trong chi hội bỏ vào tủ đựng túi nilon tái chế tại chợ Đồng Hới”.

Chị Nguyễn Thị Hoài, phường Đồng Phú chia sẻ: “Nhiều khi đi chợ gặp tình trạng người bán hết túi đựng và người mua cũng không cầm theo đồ đựng thực phẩm, thì đã có tủ đựng túi nilon tái chế đặt sẵn tại chợ hỗ trợ cho người bán và người mua. Tôi thấy, mặc dù là túi tái chế, nhưng rất sạch sẽ, gọn gàng như mới. Bởi vậy, tôi rất yên tâm khi sử dụng túi tại đây. Qua đó, cũng góp phần nâng cao ý thức chung tay cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện việc hạn chế rác thải nhựa, túi nilon, bảo vệ môi trường.

Sau 2 tháng thực hiện mô hình “Chợ giảm thiểu túi nilon”, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đồng Hải đã thu gom được gần 30 kg túi nilon đã qua sử dụng và giặt sạch để đặt vào 2 tủ tại hàng cá và hàng rau chợ Đồng Hới. Mô hình được đông đảo chị em hội viên, tiểu thương và bà con ủng hộ.

Bà Nguyễn Thị Bích Lành, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đồng Hải nói: “Mô hình này góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, tạo cho hội viên, phụ nữ có thói quen và hạn chế sử dụng đồ nhựa, đi chợ thường xuyên dùng làn nhựa, hộp nhựa, dùng túi tái sử dụng; giảm một phần chi phí cho chị em kinh doanh, buôn bán tại chợ. Hội sẽ phối hợp với Ban quản lý Chợ Đồng Hới khảo sát địa điểm để đặt thêm thùng đựng túi nilon tái chế, nhân rộng mô hình, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, túi nilon và nâng cao ý thức bảo bệ môi trường cho hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn”.

Với những hiệu quả bước đầu của mô hình, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đồng Hải sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động các tiểu thương tại chợ Đồng Hới cam kết giảm túi ni lông, tái sử dụng những túi ni lông sạch và mỗi hội viên phụ nữ sẽ là những những tuyên truyền viên nòng cốt trong việc giảm túi ni lông tại chợ và trong cộng đồng. Cùng với đó, Hội đẩy mạnh tuyên truyền và vận động chị em hội viên thực hiện việc mang túi cá nhân và túi dùng nhiều lần khi đi chợ để cùng góp phần giảm phát sinh lượng túi mới từ các hoạt động mua sắm hằng ngày nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe, môi trường sống trong lành, an toàn và lành mạnh./.

Cái Huệ

Các tin khác