Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

276 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 1727

  • Tổng 5.558.805

Đồng Hới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử.

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Những năm gần đây, công nghệ thông tin (CNTT) đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào quá trình phát triển đất nước. Xác định được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CNTT trong chỉ đạo, điều hành và cải cách hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, Thành phố Đồng Hới đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp thực hiện và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. 

Hiện tại, hệ thống Một cửa điện tử tại UBND thành phố và UBND 15 xã, phường đều hoạt động hiệu quả. Trung tâm một cửa liên thông của UBND thành phố được trang bị các thiết bị hiện đại gồm 13 quầy tiếp nhận hồ sơ (cho 13 lĩnh vực đã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính), máy xếp hàng tự động, hệ thống camera giám sát toàn bộ hoạt động của bộ phận “Một cửa”, ghế chờ, máy điều hòa… phục vụ nhân dân và các tổ chức đến thực hiện giao dịch.

Nhằm đẩy mạnh việc triển khai, ứng dụng các hệ thống nền tảng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình, đầu năm nay, thành phố Đồng Hới  đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc và UBND các xã phường tích cực ứng dụng các hệ thống dùng chung hiện có. Các đơn vị cũng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để triển khai các hệ thống thông tin, phần mềm tiện ích mới như: Hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống  hội nghị truyền hình(tỉnh- huyện), phòng họp không giấy, phân hệ quản lý hồ sơ công việc, phần mềm số hóa tài liệu, trang thông tin điện tử cấp xã…Trong đó, để thực hiện hệ thống hội nghị truyền hình (tỉnh- huyện) và phòng họp không giấy, thành phố chỉ đạo rà soát các phòng họp và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết ( âm thanh, ánh sáng, đường truyền mạng, máy tính…) cho việc triển khai sử dụng. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tháng 4 năm 2020, UBND thành phố Đồng Hới đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các cuộc họp, hội  nghị trực tuyến giữa lãnh đạo thành phố với các phòng, ban, địa phương, các đơn vị liên quan.

Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố và UBND các xã, phường đã kết nối mạng inernet, mạng LAN; 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy vi tính và kết nối internet để phục vụ cho công tác chuyên môn và triển khai ứng dụng hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh như: Cổng thông tin điện tử; Thư điện tử công vụ; Quản lý văn bản và Điều hành; Quản lý hồ sơ và đánh giá, phân loại công chức, viên chức; Quản lý tài sản, kế toán.  Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành, thư điện tử công vụ, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được triển khai sử dụng ở tất cả các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc UBND thành phố, UBND các xã, phường bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời đảm bảo về an toàn, bảo mật thông tin. 

Thành phố Đồng Hới hiện có 2 cơ quan chuyên môn có Trang thông tin điện tử là UBND thành phố và phòng Giáo dục Đào tạo; 100% UBND các xã, phường có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin về bộ thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, liên kết hệ thống phần mềm một cửa điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tìm kiếm, tra cứu thông tin.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, là một công việc còn khá mới nên quá trình thực hiện ứng dụng CNTT, xây dựng  chính quyền điện tử ở Đồng Hới thời gian qua gặp không ít khó khăn, hạn chế như: tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp; đội ngũ cán bộ, công chức thuộc các đơn vị cấp xã, phường sử dụng các ứng dụng (internet, máy tính) nói chung và các hệ thống thông tin vẫn còn hạn chế, chưa có thói quen ứng dụng CNTT trong công việc, ngại thay đổi lề lối làm việc; Mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động vẫn chưa đầy đủ và hiện đại…

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin từng bước thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, hiện nay, thành phố đang chỉ đạo việc cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, Tỉnh về cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND thành phố và UBND các xã, phường; xây dựng chính quyền điện tử, triển khai các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4 để các tổ chức, doanh nghiệp và công dân tiếp cận, thực hiện. Bên cạnh đó, Thành phố có kế hoạch ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho phát triển và ứng dụng CNTT tại cơ quan, đơn vị; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết với công cuộc cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công. Triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với Hệ thống quản lý chất lượng ISO.  Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường tăng cường sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ứng dụng chữ ký số vào việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình. Chú trọng công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin, bố trí cán bộ phụ trách an toàn thông tin phối hợp ứng cứu sự cố máy tính theo Thông tư số 20/2017/TT-BTTTT ngày 12/9/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền  nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân; hướng dẫn, khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng CNTT trong giao tiếp với các cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện: Đưa chính quyền tới gần dân và đưa dân tới gần chính quyền./.

                                                                                                    Khoa Hồng

 

Các tin khác