Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

276 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 1515

  • Tổng 5.554.528

Đồng Hới nỗ lực hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015, thành phố Đồng Hới sẽ là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Bình hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã đăng ký hiện đang tăng tốc, nỗ lực về đích đúng kế hoạch đề ra.

Trong số 16 đơn vị xã, phường, thành phố Đồng Hới có 6 xã nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đó là: Quang Phú, Bảo Ninh, Đức Ninh, Thuận Đức, Lộc Ninh và Nghĩa Ninh. Xác định xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cùng với sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, từ năm 2011, Thành phố Đồng Hới đã tập trung chỉ đạo 6 xã lập đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã và lập đề án xây dựng NTM của thành phố. Qua 4 năm thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, tạo ra những tiền đề, cơ sở để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trong những năm tiếp theo. 

Theo kế hoạch của UBND thành phố Đồng Hới, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tiến hành qua 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2011 đến 2015 đối với 5 xã Quang Phú, Bảo Ninh, Đức Ninh, Thuận Đức, Lộc Ninh và giai đoạn 2 từ năm 2015 đến 2020 phấn đấu hoàn thành xã còn lại là Nghĩa Ninh. Với phương thức: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thành phố dự kiến nguồn vốn sẽ đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn là gần 380 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí của địa phương và nhân dân đóng góp trên 200 tỷ đồng.
Với hướng đi đúng đắn, mục tiêu rõ ràng và sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn thành phố đã có những bước đi ngoạn mục. Năm 2013, xã điểm Quang Phú hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, trở thành  “quán quân” của thành phố và của tỉnh. Và đến cuối năm 2014, 3 xã tiếp theo là Bảo Ninh, Đức Ninh, Thuận Đức đã về đích xây dựng NTM trước thời hạn 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Một điều nhận thấy ở các xã vùng ven thành phố, chỉ sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo làng quê đã có sự đổi thay rõ nét: 53,8 km đường giao thông liên xã, liên thôn đã được kiên cố hóa và bê tông hóa; 8,9km đường nội đồng được rãi sỏi phục vụ sản xuất nông nghiệp; nhiều công trình thủy lợi được xây dựng, cải tạo, nâng cấp;  hơn 15 km kênh mương được kiên cố hoá, cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới tiêu nước trong sản xuất nông nghiệp. Mạng lưới trường lớp, quy mô các cấp học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu dạy và học; trạm y tế phục vụ 24/24 giờ; hệ thống nước sạch đã được dẫn về từng hộ gia đình. Đặc biệt, 2 tiêu chí khó thực hiện là chợ nông thôn và cơ sở vật chất văn hóa đã được thực hiện khá đồng bộ ở 4 xã trên địa bàn. Trong từng xã, sản xuất ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Để đạt được những kết quả đáng khích lệ nêu trên, thành phố đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội cùng chung tay thực hiện, xem đây là một cuộc cách mạng lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng khang trang, giàu đẹp.
Nhìn lại thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng NTM, khó khăn lớn nhất ở hầu hết các địa phương chính là việc huy động nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng và quy hoạch đất để thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa gồm nhà văn hóa và khu thể thao liên hoàn theo quy định. Nắm được tâm lý của nhiều người dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng. Ban chỉ đạo XDNTM của thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong quá trình xây dựng NTM.Thành ủy chỉ đạoBan Dân vận phát động phong trào thi đua dân vận khéo với nội dung: “Chung tay XDNTM”... “Mưa dầm thấm lâu”, qua hơn 4 năm xây dựng NTM, có 109 hộ dân trên địa bàn 6 xã đã tự nguyện hiến 4.714 m2 đất cùng nhiều cây cối, tài sản trên đất với tổng giá trị khoảng 1,2 tỷ  đồng để mở mang đường sá, làm đẹp làng quê.
UBMTTQVN các cấp thành phố đã chủ động phối hợp với Uỷ ban nhân dân, các cơ quan, ban ngành đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền vận động để nhân dân với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp và dân hưởng lợi”. Cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với chương trình xây dựng NTM đã được triển khai sâu rộng trong toàn thể nhân dân, UBMTTQVN thành phố đã phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp từ các tổ chức thành viên thông qua các phong trào như: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” của Hội Nông dân; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”,  “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế” của Hội Phụ nữ; “Cựu chiến binh gương mẫu phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ” của Hội Cựu chiến binh; “Tuổi cao gương sáng” của Hội Người cao tuổi; “xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”, “Mỗi cơ sở đoàn một công trình, phần việc XDNTM” của đoàn TNCS HCM…
Mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống cho người dân, ngoài Đồ án quy hoạch, Đề án xây dựng NTM, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của thành phố đã chỉ đạo 6 xã xây dựng Quy hoạch phát triển sản xuất của địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Theo đó, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa phương, xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất; trợ giá giống cây trồng, vật nuôi; thành lập các tổ liên kết, các mô hình sản xuất hiệu quả; vận động người dân học nghề; tạo việc làm… là những giải pháp quan trọng mà các cấp chính quyền thành phố đẩy mạnh thực hiện.
Theo kế hoạch, thành phố Đồng Hới phấn đấu cuối năm 2015 sẽ hoàn thành hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xét đạt chuẩn NTM đối với 2 xã còn lại là Lộc Ninh và Nghĩa Ninh, trong đó, xã Nghĩa Ninh với 2 tiêu chí là giao thông nông thôn và cơ sở vật chất văn hoá; xã Lộc Ninh với 2 tiêu chí là chợ nông thôn và cơ sở vật chất văn hoá. Để đạt được mục tiêu này, trong những tháng đầu năm 2015, ngoài việc phân bổ nguồn vốn trên 6 tỷ đồng cho 2 xã, Thành phố đã chỉ đạo 2 xã bố trí vốn từ ngân sách địa phương, nguồn kinh phí do người dân đóng góp và các nguồn khác để thực hiện.
Ông Trần Đình Dinh- Chủ tịch UBND thành phố- Trưởng BCĐCTMTQGXDNTM thành phố Đồng Hới cho biết: “Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho 4 xã đạt chuẩn NTM để các xã củng cố, giữ vững các tiêu chí đã đạt, đồng thời chỉ đạo 2 xã Lộc Ninh và Nghĩa Ninh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Riêng đối với tiêu chí chợ nông thôn ở xã Lộc Ninh, UBND thành phố đã có công văn trình UBND tỉnh xin chủ trương công nhận đạt tiêu chí Chợ nông thôn, vì hiện trên địa bàn xã đã có chợ Lộc Đại đạt chợ hạng 3 theo quy định. Cùng với đó, thành phố cũng chỉ đạo xã Lộc Ninh tiếp tục đẩy nhanh các thủ tục để xây dựng chợ Lộc Đại ở vị trí mới theo thiết kế”.
Hơn 4 năm sau khi chương trình Nông thôn mới đi vào cuộc sống, người dân ở các xã trên địa bàn thành phố phấn khởi và tự hào về diện mạo mới của quê hương, càng vững tin và chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp. Thời gian về đến đích NTM không còn bao lâu nữa, những kết quả đã đạt được là động lực, sức bật cho địa phương tiếp tục hoàn thành những bước cuối trong chặng đường NTM đúng tiến độ và kế hoạh đề ra.
                                                                      Nguyễn Xuân Bình

Các tin khác