Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

276 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 1370

  • Tổng 5.550.215

Đồng Hới về đích chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Xem với cỡ chữ : A- A A+
5 năm sau khi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào thực hiện, bộ mặt nông thôn ở các xã vùng ven thành phố Đồng Hới đang khởi sắc từng ngày. Kinh tế - xã hội phát triển ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Cơ cấu lao động có bước chuyển dịch mạnh mẽ. Các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả và đến cuối năm 2015, Đồng Hới đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Thành phố Đồng Hới có 6 xã nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đó là Quang Phú, Bảo Ninh, Đức Ninh, Thuận Đức, Nghĩa Ninh và Lộc Ninh. Mặc dù là các đơn vị hành chính thuộc thành phố, trung tâm của tỉnh lỵ Quảng Bình, nhưng nông, ngư nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo nên đời sống đại bộ phận người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Tiếp thu chủ trương xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố xem đây là đòn bẩy nhằm từng bước hoàn thành mục tiêu “cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa dần khoảng cách, mức sống  giữa các xã và phường trên địa bàn”. Dựa vào bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đồng Hới có xuất phát điểm đạt 73/114 tiêu chí. Trên cơ sở đó, thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện hoàn thành chương trình trong 2 giai đoạn; giai đoạn 1 từ năm 2011 đến 2015 đối với 5 xã Quang Phú, Bảo Ninh, Đức Ninh, Thuận Đức, Lộc Ninh và giai đoạn 2 là từ năm 2015 đến 2020 phấn đấu hoàn thành xã còn lại là Nghĩa Ninh vào năm 2017.

Từ thực tiễn trong quá trình triển khai, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố đã linh động rút ngắn thời gian thực hiện. Với hướng đi đúng đắn, mục tiêu rõ ràng và sự chung sức đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn thành phố đã có những bước đi nhanh, mạnh và vững chắc. Năm 2013, xã điểm Quang Phú trở thành “quán quân” của thành phố và của tỉnh Quảng Bình trong chặng đường xây dựng nông thôn mới. Cuối năm 2014, 3 xã tiếp theo là Bảo Ninh, Đức Ninh, Thuận Đức cũng đã về đích NTM trước thời hạn 1 năm so với kế hoạch đề ra. Đến cuối năm 2015, 2 xã còn lại là Nghĩa Ninh và Lộc Ninh cũng đã hoàn thành các tiêu chí NTM. Điều này đồng nghĩa với việc thành phố Đồng Hới là địa phương đầu tiên của tỉnh về đích nông thôn mới sớm hơn 2 năm so với lộ trình đề ra.
Thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, 2 khó khăn lớn nhất mà lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố và các địa phương trăn trở là: làm sao để đẩy mạnh, đổi mới phương thức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững và huy động nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Với phương châm: “Lấy phát triển sản xuất làm gốc, nâng cao đời sống nhân dân làm mục tiêu, lợi ích mang lại cho người dân và cộng đồng làm động lực và lấy sự đồng lòng, góp sức của cộng đồng dân cư là bí quyết thành công”, thành phố Đồng Hới đã có những quyết sách đúng đắn, phù hợp, góp phần tạo nên những kết quả nổi bật ở trên tất cả các lĩnh vực.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của thành phố đã coi trọng việc tuyên truyền, vận động nhân dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố và hệ thống loa truyền thanh tại các xã, trên băng rôn, khẩu hiệu, áp phích để tuyên truyền các chủ trương về xây dựng nông thôn mới. Thành ủy chỉ đạoBan Dân vận phát động phong trào thi đua dân vận khéo với nội dung: “Chung tay XDNTM gắn với chỉnh trang đô thị”. Thành phố đã phát huy vai trò của mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị trên địa bàn trong việc tập hợp, tuyên truyên, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về xây dựng NTM. “Mưa dầm thấm lâu”,  sau 5 năm xây dựng NTM, thành phố có 109 hộ dân trên địa bàn 6 xã đã tự nguyện hiến gần 5000 m2 đất cùng nhiều cây cối, tài sản trên đất với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ đồng để mở mang đường sá, làm đẹp làng quê. Cùng với phong trào hiến đất, các xã nông thôn mới đã có những cách làm hay, thiết thực trong việc chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Thôn Đức Thị, xã Đức Ninh là một trong những điển hình làm tốt công tác huy động sức dân xây dựng lại nhà văn hóa thôn đạt chuẩn nông thôn mới.  
Một trong những nguyên nhân khiến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn luôn trong tình trạng bấp bênh là do sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Thành phố đã chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ giá giống lúa và phát triển sản xuất giai đoạn 2011- 2015 cho các cơ sở, doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, các trang trại chăn nuôi, tàu cá đánh bắt xa bờ với số tiền trên 3 tỷ đồng. Cùng với đó là nhiều chính sách khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn như tổ hợp tác sản xuất, gia trại, trang trại và hợp tác xã nông nghiệp, gọi chung là tổ hợp kinh tế. Qua đó, đã giúp tổ hợp kinh tế ở nông thôn phát triển mạnh cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần thúc đẩy sớm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Ở các xã miền biển như Quang Phú, Bảo Ninh, ngư dân đã đầu tư đóng mới 28 chiếc tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi, vươn xa, nâng số tàu thuyền các xã hiện nay lên hơn 500 chiếc. Đối với các xã nông nghiệp, nông dân mạnh dạn xóa bỏ vườn tạp, chuyển các loại cây có giá trị thấp sang các loại cây trồng có giá trị cao đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Các mô hình sản xuất mới như: Mô hình lúa chất lượng cao; nuôi cá sấu thương phẩm đã được ứng dụng tại các địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả. Một số xã đẩy mạnh, nâng cấp các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp để tạo tính đa dạng phong phú như vật liệu xây dựng, bát hứng mủ cao su, hàng chế biến gỗ, mộc mỹ nghệ, các mô hình sản xuất và cung cấp các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp.... ở Thuận Đức, Đức Ninh, Lộc Ninh, Nghĩa Ninh.
Hiện nay, trên địa bàn toàn thành phố Đồng Hới có 17 Hợp tác xã và 21 tổ hợp tác, hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, dịch vụ vận tải; trồng rau an toàn, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt chế biếnthủy sản.Về cơ bản, các hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động và kinh doanh có hiệu quả, từng bước đáp ứng nhu cầu của nông dân nói riêng và người dân nói chung.
Với nguồn kinh phí xây dựng NTM gần 230 tỷ đồng, trong đó, chính quyền địa phương và người dân đóng góp gần 120 tỷ, sau 5 năm thực hiệnchương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, diện mạo các xã vùng ven thành phố đã có sự đổi thay rõ nét: gần 54 km đường giao thông liên xã, liên thôn; 9km đường nội đồng; 15 km kênh mương được kiên cố hóa và bê tông hóa, rải sỏi phục vụ cuộc sống và sản xuất nông nghiệp. Mạng lưới trường lớp, quy mô các cấp học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Trạm y tế phục vụ 24/24 giờ. Hệ thống nước sạch dẫn về từng hộ gia đình. Đặc biệt, 2 tiêu chí khó thực hiện là chợ nông thôn và cơ sở vật chất văn hóa được thực hiện khá đồng bộ ở 6 xã trên địa bàn. Tại các xã, sản xuất ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Đến cuối năm 2015, thành phố có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, được Chính phủ tặng cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 – 2015.
Thành phố Đồng Hới đã về đích thành công trên chặng đường đầu xây dựng NTM. Tuy nhiên, làm thế nào xây dựng NTM bền vững, bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài cho nhân dân là mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền thành phố Đồng Hới luôn đặt ra và hướng tới.
5 năm chưa phải là một chặng đường dài cho quá trình đổi thay, nhưng với những thành quả bước đầu, Đồng Hới có quyền tự hào với những gì mình đã làm được. Quá trình hoàn thiện và giữ vững các tiêu chí NTM vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Với sự đồng lòng của đảng bộ, chính quyền, sự chung tay góp sức của người dân, đích NTM văn minh, giàu đẹp sẽ không còn xa với các xã vùng ven thành phố Đồng Hới.
 
                      Cái Huệ 

Các tin khác