Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

277 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 18

  • Hôm nay 1455

  • Tổng 5.714.159

Thành phố Đồng Hới chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Font size : A- A A+

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đồng Hới ngày càng được chú trọng. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Do đó việc thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Đồng Hới đã đạt được những chuyển biến tích cực.

Trên cơ sở Chương trình, Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và kế hoạch bảo vệ môi trường. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như lồng ghép với các cuộc họp tổ dân phố, sinh hoạt câu lạc bộ; xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết bảo vệ môi trường; phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường; tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam… Bên cạnh đó, thành phố đã thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban liên quan UBND các xã, phường, các tổ chức, đoàn thể xã hội phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ. Do đó, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay, công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đã được những hiệu quả cao, nhận thức bảo vệ môi trường của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố nói chung và tại các xã nông thôn mới nói riêng đã được nâng lên, ý thức chấp hành các văn bản pháp luật của các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiều tiến bộ, vai trò lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp đã có những chuyển biển đáng kể. Đến nay, tỷ lệ hộ tại khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch là trên 70%. Đã thực hiện xây dựng, củng cố 49,27km đường trục thôn, xóm; 4,65 km đường ngõ xóm và rải sỏi đường nội đồng 8,92km; 100% các hộ gia đình đã thực hiện việc cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ không lầy lội. Tỷ lệ cơ sở sản xuất – kinh doanh đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt 100%. Trên 90% cơ sở sản xuất – kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đã thực hiện việc lập hồ sơ Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết, Đề án bảo vệ môi trường đơn giản có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền và thực hiện đầy đủ các nội dung theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận theo đúng quy định. Các cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được xây dựng như: làng nghề Thuận Đức, cụm tiểu thủ công nghiệp Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Quang Phú… đều đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững. Công tác quản lý, thu gom và xử lý rác thải ở khu vực nông thôn được quan tâm, chú trọng; đến nay đã có 6/6 xã được bố trí mạng lưới thu gom chất thải rắn đến từng thôn. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt 100%. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 80%.

Giai đoạn 2016-2020, thành phố Đồng Hới phấn đấu đạt 85% tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch ở đô thị; 100% hộ gia đình có công trình vệ sinh; tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 95%; 100% các cơ sở sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề có hệ thống xử lý môi trường.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí môi trường, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn, thời gian tới, thành phố Đồng Hới sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể địa phương. Đồng thời, sẽ chỉ đạo UBND các xã tiếp tục giữ vững và nâng cao chỉ tiêu thực hiện các nội dung về tiêu chí môi trường đã đạt được so với hiện nay. Tăng cường năng lực quản lý môi trường thông qua việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về môi trường cho nhân dân 6 xã nông thôn mới; đào tạo, tập huấn chuyên môn, quản lý về bảo vệ môi trường cho cấp xã. Nâng cao năng lực thu gom chất thải rắn trên địa bàn các xã; Hỗ trợ xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, các cụm tiểu thủ công nghiệp, quản lý chất thải rắn các khu dân cư… Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố nói chung và các xã nông thôn mới nói riêng.
Môi trường là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân và bộ mặt nông thôn. Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hóa, đạo đức và là một trong những mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững kinh tế xã hội. Do vậy cấp uỷ và chính quyền các cấp cần vào cuộc, chỉ đạo sát sao để các tầng lớp nhân dân thấy rõ được trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường nói riêng và công cuộc xây dựng nông thôn mới nói chung./.
Mai Phương

More