Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

277 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 27

  • Hôm nay 2014

  • Tổng 5.701.627

Những điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến thành phố Đồng Hới!

Font size : A- A A+
Đồng Hới (tên trước đây là Động Hải), là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Bình nằm giữa Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh. Vị trí địa lý thuận lợi, phía Đông giáp Biển Đông với đường bờ biển dài 12 km, phía Tây giáp huyện Bố Trạch sở hữu hệ thống sông suối rừng nguyên sinh, phía Bắc giáp huyện Quảng Ninh, Đồng Hới rất thích hợp cho việc phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng. 

Đồng Hới tọa lạc tại vị trí trung tâm của tỉnh Quảng Bình, giữa lòng thành phố con sông Nhật Lệ thơ mộng lững lờ trôi. Tại đây để đi đến vườn quốc gia Phong nha – Kẻ Bàng – Di sản thiên nhiên Thế giới bạn phải di chuyển khoảng 50 km, đến khu du lịch suối Bang khoảng 50 km…
Trong thời kỳ chiến tranh Trịnh-Nguyễn, Đồng Hới đã từng là nơi được Chúa Nguyễn chọn để xây thành Đồng Hới, lũy thành làm tiền tuyến chống đỡ cho Đàng Trong.
Thời kỳ khánh chiến chống Mỹ (1964 – 1975), cùng với Quảng Bình, Đồng Hới vừa là tuyến đầu đánh giặc vừa là hậu phương trực tiếp cho tiền tuyến lớn miền Nam, nơi đã có các phong trào với đông đảo những con người đã đi vào lịch sử điển hình như: dòng Nhật Lệ, trận địa pháo lão dân quân Đức Ninh, anh hùng Quách Xuân Kỳ, mẹ Nguyễn Thị Suốt, Nguyễn Thị Khứu, Phạm Thị Nghèng…
Trước năm 1976, Đồng Hới là một tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Bình, từ năm 1976-1989, Đồng Hới trở thành một thị xã thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Tháng 7 năm 1989, khi ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên được tách ra, thị xã này lại trở về là tỉnh lỵ tỉnh Quảng Bình.
Ngày 16 tháng 8 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập thành phố Đồng Hới trên cơ sở thị xã Đồng Hới.
Ngày 30 tháng 7 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1270/QĐ-TTg công nhận thành phố Đồng Hới là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Bình.
Địa điểm du lịch ở thành phố Đồng Hới
Đến với thành phố Đồng Hới vào sáng sớm, bạn có thể tản bộ trên con đường dọc bờ sông Nhật Lệ thơ mộng. Phóng tầm mắt qua bên kia sông là bán đảo Bảo Ninh với những hàng dừa rợp bóng. Đi về phía cửa biển, khung cảnh lãng mạn của từng chiếc ghe lặng trôi trên mặt sông, ngắm bình minh xa xa từ phía chân trời, du khách sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc tuyệt vời này.
Ở đây bạn có thể  thuê một chiếc xe đạp, xe máy, ô tô điện, taxi để khám phá thành phố. Thật hiếm có thành phố nào ở Việt Nam lại sở hữu nhiều địa điểm chiều lòng khách tham quan được như TP. Đồng Hới. Du lịch Đồng Hới, đừng bỏ lỡ những địa điểm hấp dẫn và tuyệt đẹp dưới đây nhé!
Biển Nhật Lệ
Đến Đồng Hới, địa điểm đầu tiên bạn không thể không ghé qua đó chính là Biển Nhật Lệ – Bãi biển có nét đẹp hoang sơ với cát trắng và nước biển trong xanh.
Biển Nhật Lệ ở ngay trung tâm Thành Phố Đồng Hới, có những bãi cát vàng óng ánh dưới rừng dương xanh với nhiều bãi tắm đẹp, nước biển lung linh màu ngọc bích.  Nơi đây được xem là “bức tranh nàng tiên nữ” với vẻ đẹp trữ tình lãng mạn nhất trong số dải bờ biển chạy dài ở tỉnh Quảng Bình.
Bãi tắm Nhật Lệ trải dài một màu cát trắng, những lúc trời thanh, gió lặng, tiếng sóng vỗ rì rào, từ ngoài xa, từng lớp sóng tung bọt như muôn ngàn viên ngọc đang lăn vào bờ, ngân lên một thứ âm thanh dào dạt, đều đều không dứt.
Đến đây bạn sẽ có cảm giác hoàng toàn khác với những bãi biển ở những nơi khác. Sự hoang sơ nhưng mang đậm chất biển, cảm nhận được cái nắng gió nơi đây, nơi những con người thân thiện góp phần tạo nên bức tranh tuyệt diệu.
Thời điểm đẹp nhất để ngắm biển Nhật Lệ chắc có lẽ là lúc hoàng hôn buông xuống. Đó là tiếng rì rào của sóng vỗ buổi chiều muộn, là tiếng thì thầm nhỏ to tâm sự của những đôi tình nhân và xa khơi là tiếng lòng của những người cha, người chồng thương nhớ về mái ấm gia đình của mình… bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên nơi đây, thật nhẹ nhàng, yên tĩnh.
Đồi cát Quang Phú
Cách bãi biển Nhật Lệ 8 km chạy theo đường Trường Pháp, đây được xem là điểm đến thu hút du khách khi du lịch Đồng Hới.
Khi đến đây, ấn tượng đầu tiên mà bạn có thể nhận thấy chính là những triền cát trải dài lung linh dưới nắng.Những cồn cát cao, thấp cứ nối tiếp nhau tạo nên một tổng thể cồn cát Quang Phú hoang sơ, tỉnh lặng nhưng cũng không kém phần quyến rũ.
Một điều đặc biệt tạo nên vẻ đẹp “huyền thoại” của cồn cát này chính là màu sắc của cát thay đổi theo thời gian. Vào ban ngày, khi nắng lên, màu cát trở nên tinh khôi và tiếp tục chuyển sang màu vàng nghệ vào buổi trưa, đến xẩm tối lại có màu xám trắng.
Hồ Bàu Tró
Thuộc địa bàn Đồng Hới, Bàu Tró được xem là hồ nước ngọt đẹp nổi tiếng ở Quảng Bình. Đây cũng là nguồn nước ngọt cung cấp cho thành phố.
Nhìn từ trên cao, biển và hồ Bàu Tró chỉ cách nhau một đoạn rất gần. Những ngày biển nổi sóng cứ tưởng nước biển sẽ tràn vào hồ, nhưng lạ thay là dù chỉ cách nhau một gang tay nhưng nước hồ lại rất ngọt, không hề bị pha trộn với nước biển. Có người còn cho rằng: nước hồ Bàu Tró ngọt như nước suối trên rừng.
Xung quanh hồ là những hàng phi lao xanh ngắt, du khách khi tới xem hồ còn gì bằng khi được mắc võng dưới rừng cây và thả hồn mình trong tiếng sóng biển ngay gần đó và ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên sinh thái tuyệt đẹp.
Biển Bảo Ninh
Qua bên kia cầu Nhật Lệ bạn sẽ tới biển Bảo Ninh. Quảng Bình được thiên nhiên ban tặng cho những bãi biển đẹphoang sơ, bãi cát mịn và đường bờ biển dài vô tận, biển Bảo Ninh được xem là bãi tắm với tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra ở đây còn có Bán đảo Bảo Ninh – nơi lưu giữ di tích thành luỹ cổ, Đền thờ Cá Ông đậm nét văn hóa ngư dân.
Bãi biển Bảo Ninh với bờ biển dài, thẳng, cát trắng mịn màng, không khí trong lành, là điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn tìm nơi mát mẻ, thanh tịnh để nghỉ dưỡng, tận hưởng không khí trong lành ở nơi đây.
Cầu Nhật Lệ 2
Là điểm nhấn mỹ quan của phía Đông thành phố Đồng Hới được xem là biểu tượng của quá trình đổi mới đi lên của tỉnh Quảng Bình. Cầu được thiết kế dây văng một trụ tháp, gồm 2 nhịp, chiều dài mỗi nhịp là 150 mét, có tháp cầu cao 98 mét dạng chữ A, hệ thống dây văng bố trí hình rẽ quạt 2 mặt phẳng dây đối xứng qua tim dọc cầu. Khi màn đêm buông xuống, cây cầu trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết dưới những ánh đèn lung linh huyền ảo. Bóng của cây cầu đổ xuống mặt sông sáng lấp lánh. Đứng trên cầu Nhật Lệ 2, với tầm nhìn bao quát rộng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của dòng sông Nhật Lệ huyền thoại, tận hưởng làn gió mát rượi.
Tháp Chuông nhà thờ Tam Tòa
Nằm ở công viên trung tâm thành phố, Tháp Chuông trở thành chứng tích của một thời chiến tranh ác liệt còn sót lại của nhà thờ Tam Tòa. Tháp Chuông nhà thờ Tam Tòa càng toát lên vẻ cổ kính vốn có bên khung cảnh thanh tịnh, linh thiêng.
Nhà thờ Tam Tòa được xây dựng vào năm 1886, theo như một số tài liệu thì vào khoảng năm 1912 nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng được rửa tội tại đây. Trong chiến tranh chống Mỹ (1964 -1972), khi mà cả TP. Đồng Hới bị san phẳng, nhà thờ cũng không tránh khỏi sự đổ nát, chỉ còn lại tháp Chuông.
 Quảng Trường Hồ Chí Minh – Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ Quảng Bình
Quảng Trường Hồ Chí Minh là biểu tượng thiêng liêng, là tấm lòng tri ân sâu sắc của nhân dân Quảng Bình đối với Bác Hồ vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc. Quảng Trường có diện tích 6,8ha với các hạng mục gồm: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân tỉnh Quảng Bình, khu quảng trường, sân hành lễ, đường diễu hành, cây xanh, thảm cỏ… nằm trong khu vực Thành Cổ Đồng Hới gần bảo tàng tỉnh Quảng Bình trên đường Hùng Vương, thuộc phường Đồng Hải.
Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Quảng Bình nằm trong khuôn viên quần thể Quảng trường Hồ Chí Minh. Công trình xây dựng theo lối kiến trúc mái đình làng Việt cổ, có tháp chuông, tháp bia ghi lại lời căn dặn của Bác Hồ với quân và dân Quảng Bình ngày Bác về thăm. Đây là điểm đến vô cùng ý nghĩa để du khách bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng Liệt sỹ đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Tượng đài Mẹ Suốt
Nằm cạnh dòng sông Nhật Lệ thơ mộng, Tượng đài Mẹ Suốt được mệnh danh như biểu tượng hào hùng của dân tộc được chính quyền Quảng Bình dựng lên để tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân của nhân dân đối với Mẹ. Đồng thời, giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay.
Chợ Đồng Hới
Nằm trên đường Mẹ Suốt dọc theo bờ kè bạn sẽ đến được với chợ Đồng Hới, đây là chợ đầu mối lớn nhất của thành phố.
Ngay sát bên chợ, những bến cá với ghe thuyền đổ về tấp nập. Du khách có cơ hội tha hồ mua sắm đủ loại hải sản tươi ngon, áo quần, giày dép, đồ lưu niệm…
Ngay giữa trung tâm của bến đò mẹ chèo ngày xưa nay đã trở thành một Di tích lịch sử tiêu biểu ở Đồng Hới trong thời kỳ chống Mỹ. Đến đây, du khách sẽ được ngắm nhìn Tượng đài Mẹ Suốt – biểu tượng hào hùng của dân tộc ta.
Quảng Bình Quan
Đây được xem là biểu tượng đặc trưng của thành phố Đồng Hới. Quảng Bình Quan là một trong ba cửa ải của hệ thống Lũy Thầy do Đào Duy Từ hiến kế và trực tiếp chỉ huy xây đắp vào năm 1631. Năm 1825, công trình này được xây lại bằng gạch đá, đến năm 1961 được tu sửa lại.
Quảng Bình Quan là một di tích tồn tại hàng trăm năm, chứng tích lịch sử quan trọng của mảnh đất Đồng Hới – Quảng Bình và là một trong 32 công trình trong danh mục dự án văn hoá trọng điểm được đầu tư từ năm 2001-2010.
Quảng  Bình Quan không chỉ minh chứng cho một hệ thống quân sự vững chắc thời Trịnh Nguyễn mà còn khắc họa nét tinh tế của một công trình nghệ thuật đã có hàng trăm năm tuổi.
Thành cổ Đồng Hới
Ở thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh đây là một trong những địa điểm quân sự của Đồng Hới. Nằm ngay ở phường Hải Định, di tích này hiện nay chỉ còn một số đoạn ngắn, có hào nước xung quanh thể hiện một phần kiến trúc – nghệ thuật thành luỹ quân sự.
Là một di tích tồn tại hơn 200 năm, là chứng tích lịch sử quan trọng của mãnh đất Đồng Hới-Quảng Bình, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã xếp thành Đồng Hới là một trong 32 công trình trong danh mục dự án văn hoá trọng điểm được đầu tư từ năm 2001-2010. Sau khi được trùng tu, thành Đồng Hới không chỉ mang dáng dấp của một công trình phòng thủ quân sự với thành cao hào sâu, mà với cửa Đông trông ra sông Nhật Lệ bằng chiếc cầu kiểu vòm cuốn đã trở thành một điểm tham quan nghiên cứu của du khách khi đến với Nhật Lệ-Đồng Hới-Quảng Bình.
Chùa Đại Giác
Nằm ở phường Đức Ninh Đông, địa điểm du lịch tâm linh này thu hút đông đảo du khách, Phật tử đến tham viếng đông đảo hàng năm. Tại đây có một bức tượng phật A Di Đà được đúc bằng đá cẩm thạch nguyên khối: cao 9m, nặng 40 tấn – đây là một trong những tượng Phật bằng đá cẩm thạch lớn nước ta.
Chùa Đại Giác không chỉ là công trình tôn giáo trang nghiêm, một địa chỉ tâm linh quen thuộc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo bà con Phật tử trong và ngoài tỉnh mà còn là một công trình văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
Phố đi bộ
Phố đi bộ thành phố Đồng Hới sẽ được tổ chức vào khung giờ từ 18 giờ đến 24 giờ các ngày thứ 6, thứ 7, Chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ, Tết tại 2 tuyến đường Phan Bội Châu và Đồng Hải với chiều dài khoảng 1 km. Đây là một sản phẩm du lịch về đêm mới của thành phố Đồng Hới theo hình thức “du lịch chậm”.
Được khai trương phục vụ khách du lịch trong dịp Tuần văn hóa -Du lịch năm 2021, Phố đi bộ là một trong những địa điểm không thể bỏ qua đối với giới trẻ với nhiều hoạt động văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật đa sắc màu như: lễ hội carnival đường phố, đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, hội bài chòi, âm nhạc đường phố và đêm nghệ thuật khai trương mùa du lịch biển.
Những món ăn phải thưởng thức khi đến thành phố Đồng Hới!
Không chỉ thu hút bởi nhiều địa điểm tham quan, Đồng Hới còn đa dạng các món ăn vặt ngon hợp khẩu vị với tất cả mọi người.
Cháo canh Quảng Bình: Một số quán cháo canh nên thử khi đến thành phố Đồng Hới như:
Quán Sương Hồng 38 Nguyễn Trãi.
Quán bà Hồng 51 Đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Quán Gia Bảo  8 Lý Thường Kiệt.
Quán O Hạnh 04 Lê Thành Đồng.
Quán 46 Động Hải.
Quán 75 đường Lê Quý Đôn.
Quán 10 Nguyễn Trường Tộ.
Quán 09 Đỗ Nhuận.
Quán Hùng Nhỏ 60 Dương Văn An.
Quán Quang Phú phía sau chợ Quang Phú.
Cháo sát cá lóc: Được làm từ bột gạo lứt, cá lóc. Bạn có thể thưởng thức món ăn này tại:
Quán 76 Tôn Đức Thắng.
Quán đường Nguyễn Thái Học bên cạnh trường mầm non Nam Lý.
Quán Ngã Ba đường Hà Huy Tập và Hoàng Diệu.
Bánh bột lọc: Gồm loại lá, trần, rán mang đậm chất riêng Quảng Bình. Bạn có thể đến quán:
Mệ Xuân Đường Lê Thành Đồng.
Quán Hoài Hương Đường Lê Thành Đồng.
Quán Dì Thái 13 Đồng Hải.
Quán Dì Thủy 11 Thanh Niên.
Bánh bèo: Muốn thưởng thức món bánh bèo ngon nhất, chắc chắn đừng bỏ qua các địa chỉ này:
Quán Cô Vân 82 Lê Thành Đồng.
Quán Dì Tiếp 27 Lê Thành Đồng.
Quán Tứ Quý 17 Cô Tám.
Quán Cô Nhơn Đường Đồng Hải.
Quán Bánh Bèo Cộn 133 đường Ngô Gia Tự.
Bánh khoái:
Quán Tứ Quý 17 Cô Tám.
Quán Tứ Quý Sân Vườn 63 Trương Pháp.
Quán Ly Ly 11A Cô Tám.
Quán Cô Năm 13 Trần Hưng Đạo.
Quán Thùy Phương 09 Cô Tám.
Quán cô Vân 82 Lê Thành Đồng, Đồng Hới.
Ngoài ra nơi đây còn nổi tiếng với những món hải sản khác lạ như:  Cháo hàu, đẻn biển…mang đậm hương vị tươi ngon của miền biển cát trắng.
 Lệ Bình

More