Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

277 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 5137

  • Tổng 5.879.640

Một số kết quả ghi nhận trong thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ trên địa bàn thành phố Đồng Hới

Font size : A- A A+

Trong những năm qua cùng với việc phát triển kinh tế, ổn định trật tự an toàn xã hội, thành phố Đồng Hới đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.

Ngay sau khi có Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ thay thế cho Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 về chính sách trợ giúp xã hội và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Bình, UBND thành phố Đồng Hới đã tổ chức tập huấn triển khai Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và các văn bản mới liên quan đến lĩnh vực bảo trợ xã hội cho cán bộ lãnh đạo UBND, công chức văn hóa - xã hội các xã, phường; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố nắm bắt để chỉ đạo và triển khai thực hiện. Triển khai tuyên truyền nội dung các văn bản mới về công tác bảo trợ rộng rãi thông qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh - Truyền hình Đồng Hới, Đài Truyền thanh các xã, phường, hệ thống loa truyền thanh thôn, tổ dân phố; tuyên truyền thông qua các Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật, các hội nghị, buổi sinh hoat của các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, cộng đồng dân cư. Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp người dân kịp thời nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác người cao tuổi, người khuyết tật. Đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi người dân đối người cao tuổi, người khuyết tật nói riêng và các đối tượng bảo trợ xã hội nói chung. Huy động được các nguồn lực chung tay cùng thành phố Đồng Hới trong việc chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn.

Chỉ đạo các xã, phường chủ động thực hiện rà soát, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ cho các đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp trên địa bàn.  Tiếp nhận, tổ chức xét duyệt hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng; thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với các đối tượng bảo trợ xã hội đảm bảo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Việc giải quyết hồ sơ tuân thủ theo đúng quy trình, thủ tục, thời gian. Tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn theo đúng quy định. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng bảo trợ xã hội làm thủ tục nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Các biểu mẫu, quy trình thủ tục để giải quyết chế độ chính sách được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân các xã, phường để người dân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện của cán bộ công chức.

UBND thành phố đã chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp theo quy định mới cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Hàng tháng rà soát các đối tượng người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi, trẻ em và để điều chỉnh mức hưởng trợ cấp phù hợp.

Thực hiện Đề án chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bưu điện thành phố, UBND các xã, phường và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chính sách đến người dân, giúp cho người dân hiểu rõ mục đích của việc thực hiện Đề án. Cơ quan Bưu điện đã thực hiện việc chi trả hàng tháng đảm bảo đúng thời gian, địa điểm theo quy định. Đối với những trường hợp ốm đau, bệnh tật, già yếu không đi được, Bưu điện bố trí nhân viên đến chi trả tại nhà. Trong quá trình chi trả, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Bưu điện thành phố thường xuyên phối hợp với UBND các xã, phường để quản lý, nắm bắt thông tin những người hưởng mới, những người hưởng không có mặt tại địa bàn, những người thôi hưởng… thường xuyên cập nhật báo cáo tiến độ chi trả, phản ánh những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Công tác phối hợp giữa công chức Văn hóa - Xã hội các xã, phường và Bưu điện trong chi trả chặt chẽ, đặc biệt trong khâu rà soát việc báo tăng, báo giảm đối tượng đủ điều kiện hưởng. Quy trình thủ tục tạm ứng, thanh quyết toán, báo cáo kịp thời đảm bảo thời gian và quy định. Hiện nay, thành phố đang thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên gần 3.700 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền gần 2,7 tỷ đồng/ tháng; 100%  đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định. Ngoài ra, hàng hàng năm nhân dịp Tết Nguyên Đán, Tháng hành động Người cao tuổi, Ngày khuyết tật Việt Nam; Tháng hành động vì trẻ em… Thành phố đã tổ chức các đoàn thăm, tặng quà động viên các đối tượng người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, qua đó đã góp phần tạo niềm tin, động lực cho các đối tượng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống

Đối với công tác trợ giúp xã hội khẩn cấp, hàng năm, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan hướng dẫn, phối hợp với UBND các xã, phường nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, chủ động rà soát, tổng hợp các hộ có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai bão lũ, dịch bệnh thực sự có nguy cơ thiếu đói, những gia đình gặp rủi ro, hoạn nạn trên địa bàn để có các giải pháp hỗ trợ và đề nghị các cấp, các ngành hỗ trợ kịp thời. Việc rà soát, xác định đối tượng được hỗ trợ được thực hiện từ  thôn, tổ dân phố đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng, có sự phối hợp kiểm tra, giám sát và thống nhất của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và UBND xã, phường. Hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện xác định và xét duyệt của cấp cơ sở được thực hiện công khai, khách quan và đúng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở đề nghị của các xã, phường, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố thẩm định, tổng hợp tham mưu UBND thành phố hỗ trợ và đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ theo quy định. Từ năm 2021 đến nay đã đề nghị hỗ trợ 162.255 kg gạo cho các hộ khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán và Giáp hạt; thành phố hỗ trợ 8 trường hợp chết không rõ tung tích, nhân thân; bị thương do hỏa hoạn, trẻ em bị đuối nước với số tiền gần 70 triệu đồng; lập hồ sơ đưa 18 đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Quảng Bình. Hàng năm, UBND thành phố chỉ đạo rà soát hộ nghèo có nhà ở bị hư hỏng xuống cấp không thể ở được để có giải pháp huy động các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng. Từ năm 2021 đến nay thành phố đã bố trí từ nguồn ngân sách  nhà nước gần 700 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 25 hộ nghèo.    

Công tác chính sách xã hội trên địa bàn thành phố luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường; sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân nên các chính sách xã hội trên địa bàn thành phố đã được triển khai đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi của đối tượng, giúp đối tượng bảo trợ xã hội giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai thực hiện chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố còn một số hạn chế, vướng mắc như: Việc xác định dạng tật, mức độ khuyết của Hội động xác định mức độ khuyết tật xã, phường còn khó khăn, lúng túng. Công tác chi trả được thực hiện thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ nên công chức văn hoá- xã hội phụ trách lĩnh vực chính sách xã, phường ít được tiếp cận đối tượng. Vì vậy, việc quản lý đối tượng trên địa bàn, báo tăng, giảm, thôi hưởng, điều chỉnh độ tuổi đối tượng ở xã, phường đôi lúc chưa kịp thời. Tình trạng người lang thang, ăn xin ở các địa phương khác đến trên địa bàn khá nhiều nhưng hiện nay, thành phố chưa có các Trung tâm bảo trợ xã hội để thu dung các đối tượng này vào chăm sóc. Vì vậy, công tác quản lý các đối tượng này khó khăn, bất cập.

Để thực hiện tốt Nghị định 20/2021/NĐ-CP, trong thời gian tới thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND các xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành đối với công tác bảo trợ xã hội, sự chung tay giúp đỡ của các doanh nghiệp, của nhân dân và toàn xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các đối tượng bảo trợ xã hội tại các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan.

Bảo trợ xã hội là một chính sách nhân văn thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước ta đối với những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội. Việc thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội đã góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần đối với các đối tượng yếu thế trên địa bàn. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, chung tay xây dựng thành phố Đồng Hới ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Lệ Hằng

More