Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

277 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 18

  • Hôm nay 6793

  • Tổng 5.719.504

Nghĩa Ninh duy trì và phát triển nghề nấu tinh dầu truyền thống

Font size : A- A A+

Thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho vùng gò đồi xã Nghĩa Ninh, TP Đồng Hới nhiều cây  tràm gió.  Để rồi từ “lộc trời cho” đó, những người dân cần cù, chịu khó của xã Nghĩa Ninh đã chưng cất được loại tinh dầu để bán ra thị trường vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình,  vừa tự sản xuất  loại dược liệu quý chữa bệnh cho mọi người.

Người có thâm niên trong nghề nấu tinh dầu ở Nghĩa Ninh  là ông Phan Văn Tân, ở thôn Ba Đa. Nhà ông trước đây ở Lộc Ninh, để phát triển kinh tế, ông lên vùng gò đồi xã Nghĩa Ninh khai hoang, làm trang trại. Nhận thấy vùng Ba Đa có nhiều cây tràm gió mọc tự nhiên, ông đã tìm hiểu rồi bắt đầu thực hiện việc chưng cất dầu tràm. Cách làm mà ông áp dụng suốt 25 năm qua đó là phương pháp chưng cất hơi nước. Khoảng 1 tạ lá chưng cất ra thành phẩm tầm 300ml - 400ml, nếu lấy nhiều hơn thì nồng độ tinh dầu sẽ giảm.

Vườn nguyên liệu của ông Tân

Nghề sản xuất dầu tràm không theo mùa vụ, chỉ cần chủ động được nguyên liệu thì có thể nấu quanh năm. Do đó, thay vì phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thu hái ngoài tự nhiên, những năm gần đây, gia đình ông Tân  đã tiến hành trồng giống tràm gió nhằm chủ động nguyên liệu sản xuất tinh dầu.  Ngoài ra, ông còn tìm mua giống sả Ja va-loại chuyên dùng để nấu tinh dầu về trồng. Hiện tại ông đã trồng được 5ha tràm gió và 4 ha sả java. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Tân nấu khoảng 100 lít dầu tràm, 150 lít dầu sả. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Tân thu lãi trên 250 triệu đồng mỗi năm.

Cũng như ông Tân, bà Lê Thị Khuyền ở thôn Trung Nghĩa 6 gắn bó với nghề nầu dầu tràm đã khá lâu. Trước đây, cả gia đình phải lên đồi, vào rùng hái lá tràm về nấu, mất khá nhiều công sức. Gia đình bà đã mạnh dạn hợp đồng với địa phương để khai hoang vùng đất trống, đồi trọc trồng cây tràm gió. Sau những tháng ngày gian nan vất vả san ủi, làm đất, tìm giống, trồng cây, chăm sóc vườn nguyên liệu; vườn tràm gió xanh mướt của gia đình bà Khuyển ngày càng được mở rộng  gần 10 ha, không chỉ phục vụ cho cho lò dầu của gia đình mà còn cung cấp nguyên liệu cho các hộ xung quanh. Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề, theo bà Khuyền, lá tràm  thu hoạch quanh năm nhưng khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 là cây ra lá nhiều nhất và chất lượng cũng tốt nhất.

Thấy được tiềm năng từ nghề sản xuất tinh dầu, nhiều người trẻ trên địa bàn xã Nghĩa Ninh cũng đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm người đi trước để phát triển nghề này. Tiêu biểu là gia đình anh Phan Văn Khôi ở thôn Trung Nghĩa 5. Anh chủ yếu tập trung vào sản xuất tinh dầu sả, cũng với phương pháp chưng cất truyền thống. Anh trồng gần 5h sả Java trên vùng đất đồi, mỗi ha trồng được 40.000 cây. Sau 6 tháng có thể thu hoạch đợt đầu tiên và tiếp theo cứ 2 tháng cắt lá một lần, mỗi năm thu hoạch 4-6 đợt tùy vào thời tiết. Có được nguyên liệu rồi, việc chưng cất cũng lắm công phu. Lò nấu giản đơn theo truyền thống của gia đình anh Khôi được xây cất ngay trong vườn nhà. Trung bình một nồi nấu khoảng 3 tạ lá sả, chưng cất trong khoảng 5 giờ, kết quả thu về hơn một  lít tinh dầu sả. Tuy mới vào nghề, nhưng mỗi năm gia đình anh cũng sản xuất được trên 100 lít dầu sả.

Hiện xã Nghĩa Ninh có hơn 10 hộ  làm nghề nấu dầu tràm, dầu sả. Không quảng cáo rầm rộ nhưng sản phẩm bà con làm ra đều được khách hàng tin dùng, ưa chuộng . Nghề này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình.

Tuy nhiên, nghề sản xuất tinh dầu ở Nghĩa Ninh vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Với nguồn nguyên liệu sẵn có, bà con rất cần sự giúp đỡ của các ban ngành chức năng để mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời xây dựng được thương hiệu riêng. Trong nỗ lực duy trì và phát triển nghề, mới đây, Hội Nông dân xã đã thành lập và ra mắt tổ hội nghề nghiệp  “Nấu tinh dầu tràm, dầu sả” xã Nghĩa Ninh, thu hút 7 hộ tham gia. Tổ hội sẽ kết nối, tạo điều kiện cho các hộ giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đẩy mạnh quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ra mắt tổ hội nghề nghiệp nấu tinh dầu

Dầu tràm, dầu sả nguyên chất là một loại dược liệu tự nhiên chăm sóc sức khỏe hiệu quả được người dân sử dụng hàng trăm năm nay. Loại dược liệu này đã gắn bó với đời sống của những người dân nông thôn, là thứ không thể thiếu được góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ gia đình.

Với sự lành tính của dầu tràm,  người ta sử dụng cho các sản phụ, trẻ sơ sinh để làm ấm cơ thể, trị cảm lạnh. Với người già, dầu tràm dùng xoa bóp trị nhức mỏi. Vì vậy, tinh dầu tràm càng trở nên giá trị đối với người tiêu dùng.

Nghề nấu tinh dầu ở xã Nghĩa Ninh không chỉ tạo thêm việc làm, thêm thu nhập cho người dân mà còn duy trì một nghề có tính đặc trưng riêng của địa phương. Vì vậy, Chính quyền xã Nghĩa Ninh cần khuyến khích phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất tinh dầu tràm, sả này.

                                                                                                Ly Na

More