Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

277 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 5716

  • Tổng 5.726.843

Đồng Hới: Thử nghiệm thành công giống lúa nếp cẩm

Font size : A- A A+

Vụ Đông-Xuân năm 2021-2022, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Đức Ninh Đông (phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới) đã thực hiện thành công mô hình áp dụng công nghệ cao trồng thử nghiệm giống lúa nếp cẩm, triển vọng sẽ có một giống lúa nếp quý phù hợp đất ruộng trên địa bàn.

Nếp cẩm hay còn gọi là nếp than, có nhiều loại giống khác nhau và được trồng chủ yếu ở vùng núi phía Tây Bắc, một số tỉnh ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ở Quảng Bình, từ trước đến nay chưa có một nghiên cứu khảo nghiệm nào về loại giống nếp này. Vụ đông-xuân năm nay, được sự chuyển giao công nghệ của Trung tâm DVNN Đồng Hới, từ tháng 1/2022, HTX DVNN Đức Ninh Đông đã thực hiện mô hình “Trồng thử nghiệm giống lúa nếp cẩm tại TP. Đồng Hới” với 14 hộ dân tham gia trên diện tích 5ha, đến nay đã cho thu hoạch. Đây là mô hình đầu tiên được đưa vào sản xuất thử nghiệm tại Quảng Bình.

Giám đốc HTX DVNN Đức Ninh Đông Trần Thắng cho biết: Vụ đông-xuân 2021-2022, toàn HTX sản xuất 50ha lúa (chủ yếu là giống lúa ST24) và 5ha lúa nếp cẩm. Giống lúa nếp cẩm được đưa vào sản xuất thử nghiệm là giống ĐH6 được Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) sưu tầm, chọn lọc từ giống nếp cẩm Căm Pẹ ở Thanh Hóa từ năm 2009. Loại giống này có thời gian sinh trưởng ngắn, cây cao từ 98-115cm, thân cứng, chống đổ tốt, đẻ nhánh tập trung, bộ lá màu tím hoặc xanh đậm, tỷ lệ hạt chắc cao; năng suất ổn định 35-40 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 50 tạ/ha.

Bà con HTX DVNN Đức Ninh Đông thu hoạch lúa nếp cẩm.

HTX DVNN Đức Ninh Đông đã tuân thủ sự chỉ định, chuyển giao công nghệ từ khâu làm đất, bón phân, chọn giống, gieo sạ, quản lý sâu bệnh, quản lý nước từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa nếp cẩm theo đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc theo dõi sự phát triển của nếp cẩm, đơn vị không sử dụng một loại phân bón hóa học nào nhằm bảo đảm chất lượng nếp thuần túy tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.

“Quá trình trồng thử nghiệm cho thấy, với phương thức canh tác như các giống lúa truyền thống sản xuất tại địa phương, cây nếp cẩm sinh trưởng và phát triển mạnh, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh, lúa trổ đều, bông to, ít hạt lép... khá phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng vùng đất trên địa bàn Đồng Hới. Sau thu hoạch lần đầu, năng suất đạt trên 40 tạ/ha, tính giá trị tương đương với sản xuất giống lúa chất lượng cao đang gieo trồng trên đồng ruộng Đức Ninh Đông, như lúa ST24. Điều quan trọng hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Nếu thị trường có nhu cầu cao, giống lúa nếp cẩm là lựa chọn đưa vào sản xuất của bà con nông dân vì chi phí các dịch vụ thấp hơn so với trồng lúa thông thường. Thêm vào đó, công cán nhẹ nhàng hơn nên giảm được sức lao động cho bà con nông dân”, Giám đốc HTX DVNN Đức Ninh Đông Trần Thắng chia sẻ thêm.

 Theo Trưởng phòng Kinh tế TP. Đồng Hới Đoàn Hồng Quân, kết quả mô hình trồng lúa nếp cẩm là bước đầu triển vọng về phát triển một giống nếp quý. Tuy nhiên để khẳng định chắc chắn, HTX DVNN Đức Ninh Đông sẽ triển khai gieo trồng liên tục trong 3 vụ mùa. Vấn đề cần quan tâm là thị trường đầu ra cho sản phẩm. Nếu hài hòa giữa cung và cầu, thành phố sẽ nhân rộng để bà con sản xuất, nhằm tăng thu nhập, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ môi trường bền vững và cung cấp cho thị trường sản phẩm gạo nếp cẩm chất lượng, an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

 Hương Trà

More