Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

277 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 2360

  • Tổng 5.599.846

Phụ nữ xã Bảo Ninh phát triển kinh tế từ các nghề dịch vụ

Xem với cỡ chữ : A- A A+
           Dựa vào tiềm năng, thế mạnh của một xã biển, những năm qua, Hội LHPN xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới đã từng bước vận động hội viên chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ chăn nuôi, trồng trọt sang dịch vụ, du lịch phù hợp với định hướng phát triển chung của địa phương. Các nghề dịch vụ như: chế biến món ăn phục vụ hiếu, hỷ; chế biến thủy, hải sản; pha chế đồ uống, giải khát và đan vá lưới... được nhiều chị em lựa chọn, bước đầu mang lại hiệu quả.

              Sau khi tham gia lớp sơ cấp nghề chế biến món ăn tại địa phương, được sự hỗ trợ của chồng là người có nhiều kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề dịch vụ nhà hàng ẩm thực, năm 2013, chị Trần Thị Thanh Lan đã mạnh dạn đầu tư vốn mở cơ sở dịch vụ ẩm thực tại thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh.

            Cơ sở kinh doanh dịch vụ của chị Lan chuyên nhận và phục vụ các dịch vụ ẩm thực theo yêu cầu của khách hàng. Ban đầu, cơ sở chỉ nhận nấu từ 3 đến 5 mâm cho bà con ở trong thôn, xã. Nhờ làm ăn có uy tín, đến nay, số lượng khách hàng ngày càng tăng. Thời gian cao điểm, cơ sở nhận đơn hàng lên đến 150 đến 200 mâm. Không chỉ khách hàng trong xã mà nhiều người dân ở các địa bàn lân cận cũng đã tin tưởng tìm đến đặt hàng. Mô hình kinh doanh ẩm thực của gia đình chị Lan đã cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10  đến 30 hội viên phụ nữ trong thôn, xã với mức thu nhập từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/ người/ tháng.

            Được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, 100% các hội viên của cơ sở ẩm thực do chị  Thanh Lan làm chủ đều được tham gia các lớp học Sơ cấp nghề chế biến món ăn tại các Trung tâm học nghề có uy tín trên địa bàn. Hiện nay, cơ sở đang hoàn thiện các thủ tục để thành lập tổ hợp tác dịch vụ ẩm thực.

Chị Trần Thị Thanh Lan, chủ cơ sở Dịch vụ ẩm thực Ngói xưa nói: “Trong quá trình chế biến, tôi luôn nhắc nhở chị em phải luôn chú trọng nghiêm ngặt khâu đảm bảo an toàn thực phẩm. Vợ chồng tôi cũng luôn luôn trăn trở để tìm ra những món ăn ngon, sáng tạo vừa đảm bảo an toàn thực phẩm vừa tăng thêm uy tín trên thị trường nhằm phát triển kinh tế gia đình và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho chị em ở địa phương”.

Để xây dựng và mở rộng các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu giải trí, thưởng thức ẩm thực của du khách và nhân dân, hội liên hiệp phụ nữ xã Bảo Ninh đã vận hội viên, phụ nữ chủ động đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm là thế mạnh của xã. Hội đã hỗ trợ các cơ sở xây dựng nhãn mác, vận động các cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc vùng biển để phục vụ du lịch, như: mực một nắng, nước mắm, ruốc, cá khô các loại, các mặt hàng hải sản tươi sống …Với hơn 37 cơ sở sản xuất, chế biến thủy, hải sản có quy mô trên địa bàn xã, mỗi năm, các cơ sở này cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 180 tấn cá mực khô, nước mắm các loại, với doanh thu đạt 25 tỷ đồng/ năm. Tiêu biểu có các cơ sở chế biến thủy hải sản do phụ nữ làm chủ như: tổ hợp tác chế biến hải sản Đồng Dương, cơ sở chế biến thủy hải sản Thương Định.

Chị Hoàng Thị Thương, cơ sở chế biến thủy hải sản Thương Định nói: “Gia đình tôi có truyền thống sản xuất, chế biến thủy hải sản từ nhiều đời nay, trên cơ sở những bí quyết do gia đình để lại, bản thân tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm làm ăn ở các cơ sở bạn ở địa phương, trong và ngoài tỉnh để từng bước nâng cao chất lượng và uy tín trên thị trường. Hiện nay, vào bốn mùa quanh năm và nhất là vào mùa du lịch tháng 4 cho đến tháng 9, cơ sở đã thu hút rất nhiều du khách từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đến mua các loại sản phẩm về làm quà. Nhiều người còn tin tưởng mua số lượng lớn đóng gói gửi cho người thân ở nước ngoài”.

Trong tháng 4 vừa qua, Hội LHPN xã Bảo Ninh phối hợp với UBMTTQVN xã ra mắt Tổ hợp tác “Dịch vụ du lịch biển” Đồng Dương với 10 thành viên. Đây là những người có kinh nghiệm lâu năm trong việc kinh doanh các mặt hàng hải sản; hàng lưu niệm; thức uống giải khát; đồ ăn nhanh; dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động tắm biển.

Chị Nguyễn Thị Thúy, Tổ hợp tác Dịch vụ du lịch biển Đồng Dương chia sẻ: “Chị em hội viên trong tổ hợp tác thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong các khâu buôn bán; nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan biển, đổ rác thải đúng nơi quy định, không đổ rác xuống bờ biển hoặc những nơi công cộng khác; không sử dụng chất cấm độc hại trong chế biến thực phẩm và bảo đảm ATVSTP để phục vụ du khách; cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động dịch vụ du lịch và kỹ năng bán hàng”.    

Thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế”, cùng với việc duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm phụ nữ liên kết sản xuất kinh doanh, dịch vụ, Hội LHPN xã Bảo Ninh đã huy động các nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với số tiền hơn 12 tỷ đồng, giúp cho hơn 1.200 hội viên vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, Hội đã duy trì hoạt động của 92 nhóm tiết kiệm tín dụng với 920 thành viên tham gia, nguồn vốn huy động trên 6 tỷ đồng, giúp nhau vốn làm ăn, kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân,  Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động chị em xây dựng các mô hình mới như: mô hình tổ hợp tác dịch vụ du lịch biển; từ tổ hợp tác đan vá lưới phát triển thành Hợp tác xã dịch vụ hậu cần nghề cá; và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ chế biến thủy hải sản. Qua đó, giúp chị em xây dựng cơ sở pháp lý, thương hiệu, tạo uy tín trên thị trường với những sản phẩm mang tầm của một địa phương du lịch”.

Trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương, Hội LHPN xã Bảo Ninh đã góp phần không nhỏ cùng các cấp chính quyền định hướng, hỗ trợ, tạo nhiều cơ hội việc làm phù hợp, từng bước ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn. Qua đó, chị em ngày càng tự tin hơn, khẳng định vị thế người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố Đồng Hới vào cuối năm 2019.

                                                                                                               Cái Huệ

Các tin khác