Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

277 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 1864

  • Tổng 5.599.350

Nhớ về trận đấu đánh thắng biệt kích Mỹ ngụy

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Nằm bên lề phía Đông đường Trương Pháp, ngay trung tâm bãi tắm biển Nhật Lệ, sừng sững, uy nghi một đài tưởng niệm chiến tích của quân dân Hải Thành lần đầu đánh thắng biệt kích Mỹ Ngụy cùng với gương anh dũng chiến đấu hy sinh của 3 anh hùng liệt sỹ: Trương Pháp, Nguyễn Văn Hai, Lê Văn Ngọc.

 Cách đây 55 năm, đêm 30/6/1964, một tàu chiến Mỹ Ngụy chở hơn 20 tên biệt kích đổ bộ bằng đường biển, xâm nhập vào địa bàn thị xã Đồng Hới với mưu đồ đánh phá Nhà máy nước Đồng Hới, phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân ta. Bằng tinh thần cảnh giác cao độ, Trung đội dân quân Đông Thành (nay là phường Hải Thành) đã sớm phát hiện, kịp thời phối hợp với Đồn Công an vũ trang Nhật Lệ chặn đánh địch, giành thắng lợi. Trong trận chiến đấu quyết liệt ấy có 3 anh em trai trong một nhà trực tiếp tham gia đó là: Nguyễn Quang Thái - Bí thư Chi bộ, chính trị viên Trung đội dân quân Đông Thành; Nguyễn Lâm Sung - Chiến sỹ dân quân và Nguyễn Ngọc Trúc liên lạc viên. Cũng trong trận đánh này còn có 2 đôi nam nữ yêu nhau sắp đến kỳ hôn lễ là Trương Pháp + Trần Thị Nồng và Nguyễn Lâm Sung + Hồ Thị Lô.

Ông Nguyễn Lâm Sung nhớ lại: Khoảng 10 giờ đêm 30/6/1964, ông Nguyễn Quang Thái - Bí thư Chi bộ thôn Đông Thành cùng mấy ngư dân đang neo thuyền câu cá ngoài cửa biển Nhật Lệ thì phát hiện có tiếng máy tàu thủy rì rì mỗi lúc một to. Nghi ngờ có tàu chiến địch, với tinh thần cảnh giác cao, ông liền gọi bà con nhổ neo chèo thuyền nhanh vào bờ báo cáo với Đồn Công an vũ trang Nhật Lệ rồi tổ chức lực lượng dân quân đi tuần tra ven biển. Tổ thứ nhất gồm các đồng chí: Hoàng Hoa Tương, Trần Thị Nồng, Hồ Thị Lô cùng 2 chiến sỹ công an vũ trang đi dọc theo bờ cát, không phát hiện địch, chỉ thấy một số dấu chân lạ liền quay về báo cáo. Tổ thứ hai gồm đồng chí Trần Thanh Hồng, Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Ngọc Trúc và một chiến sỹ công an vũ trang men theo rừng dương đi ra thì bất ngờ gặp địch mai phục, chúng liền nổ súng, đồng chí Hai hy sinh tại chỗ. Nghe tiếng súng nổ, trung đội trưởng dân quân Phan Tiến Dũng liền dẫn ngay tổ tăng cường gồm Nguyễn Lâm Sung, Trương Pháp, hai đồng chí Long, Ly kịp thời chi viện. Trước khi đi, Nguyễn Lâm Sung đã được người yêu là Hồ Thị Lô trao lại mác Lào và lựu đạn để chiến đấu.

Lúc bấy giờ tốp biệt kích hơn 20 tên đã tiến sâu vào rừng dương đặt súng DKZ bắn vào Nhà máy nước Đồng Hới, số còn lại làm nhiệm vụ cảnh giới. Nghe tiếng súng nổ ở mé ngoài, biết đã bị lộ, toán biệt kích nhanh chóng rút chạy, vừa ra tới bìa rừng thì gặp ngay tổ du kích của ta. Thấy lực lượng ta ít, địch liền hô mật khẩu “khát, khát” rồi xông lên định bắt sống. Các chiến sỹ du kích chi viện tuy lực lượng mỏng, vũ khí thô sơ, nhưng giàu lòng yêu nước đã dũng cảm kiên cường chiến đấu, đánh giáp la cà với địch. Đồng chí Trần Thanh Hồng trên tay nắm chắc quả lựu đạn thối liên tiếp đập vào đầu, vào vai chúng. Thiếu vũ khí, các chiến sỹ dân quân liền bốc cát ném liên tục, túi bụi vào mặt kẻ thù, riêng đồng chí Nguyễn Lâm Sung vẫn hết sức bình tĩnh, anh né qua một bên rồi ném lựu đạn vào giữa đội hình địch. Bị tấn công bất ngờ, bọn biệt kích vội dạt ra, tìm đường tháo chạy trong khi đó pháo 12 ly 7 từ tàu chiến bắn xối xả vào dọc bãi biển hòng ngăn chặn lực lượng chi viện của ta. Dưới ánh trăng hạ tuần đêm 21 tháng 5 âm lịch, nhìn rõ bọn địch xúm lại cố kéo theo mấy tên bị thương chạy thục mạng ra biển, lập tức Nguyễn Lâm Sung bắn liên tiếp 4 phát đạn K44 về phía chúng. Trong khi đó chiến sỹ dân quân Trương Pháp với tinh thần kiên quyết không cho địch chạy thoát, đã vọt lên vừa đuổi theo vừa hô to “Xung phong, bắt sống, bắt sống!”. Nhưng do lực lượng của ta quá mỏng không chi viện kịp nên anh đã dũng cảm hy sinh trên bờ sóng bởi hàng chục viên đạn của quân thù bắn vào người. Trận đánh chỉ diễn ra trong vài chục phút, bọn biệt kích vội vàng xuống xuồng cao su tẩu thoát ra biển, để lại 1 xác chết, 1 xuồng cao su, 3 súng DKZ, 2 súng Tôm Xông. Ngày hôm sau, ngư dân ta bắt được tên Sắc biệt kích đã sát hại đồng chí Ngọc đang trôi dạt trên biển sau khi bị đồng bọn bỏ rơi.

Đây là trận chiến đấu đầu tiên với biệt kích Mỹ Ngụy mà Trung đội dân quân Đông Thành cùng với Đồn Công an vũ trang Nhật Lệ giành thắng lợi. Tập thể đơn vị dân quân Đông Thành và nhiều cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công và nhiều bằng, giấy khen khác. Sau này Liệt sỹ Trương Pháp được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Người yêu của anh, chị Trần Thị Nồng cũng anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu với máy bay Mỹ năm 1967. Còn 3 anh em trai cùng chiến đấu, chiến thắng trong trận ấy sau này đảm nhận mỗi người một mãng công tác: Ông Nguyễn Quang Thái được bầu làm Ủy viên Thường vụ Thị ủy Đồng Hới (đã qua đời), ông Nguyễn Lâm Sung trở thành công nhân Nhà nước đẹp duyên cùng chị Hồ Thị Lô, chiến sỹ liên lạc Nguyễn Ngọc Trúc vào bộ đội, là đại úy đặc công quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam.

Trận đánh thắng bọn biệt kích Mỹ Ngụy lần đầu đổ bộ bằng đường biển vào bờ biển Quảng Bình của quân dân Hải Thành cùng với gương dũng cảm chiến đấu hy sinh của anh hùng liệt sỹ Trương Pháp và 2 chiến sỹ Nguyễn Văn Hai, Lê Văn Ngọc đã góp phần tô đậm thêm trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc. Để ghi nhớ chiến công này, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước sạch bóng thù, Tỉnh ủy Quảng Bình, Thành ủy Đồng Hới đã quyết định xây dựng Đài tưởng niệm 30/6/1964 ngay tại trung tâm bãi biển Nhật Lệ phường Hải Thành, nơi diễn ra trận đánh năm xưa. Đồng thời lấy tên anh hùng liệt sỹ Trương Pháp đặt tên cho con đường du lịch chạy suốt chiều dài bãi tắm biển Nhật Lệ để mãi mãi ghi công người con của quê biển Hải Thành đã hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân./.

 

                                                  Trần Ngọc Phơn 

Các tin khác