Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

277 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 1126

  • Tổng 5.594.706

Hiệu quả từ mô hình trồng nấm sò tím của Cơ sở sản xuất nấm sạch Ngân Hà

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Là cơ sở đầu tiên trên địa bàn thành phố Đồng Hới thực hiện thành công mô hình sản xuất nấm sò tím với quy mô và số lượng lớn; hơn 10 năm qua, cơ sở sản xuất nấm sạch Ngân Hà ở tổ dân phố 7, phường Bắc Lý đã từng bước khẳng định được uy tín và chất lượng sản phẩm, được thị trường tiêu dùng của thành phố Đồng Hới và một số địa phương lân cận chấp nhận.

Với niềm đam mê từ nghề trồng nấm, năm 2013, chị Cao Đàm Họa My đã chọn nghề làm nấm để tăng thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Ngày nào cũng vậy, cứ sau giờ làm việc, chị lại tự tìm tòi, học hỏi kiến thức và thử nghiệm trồng nấm sò trắng. Thời gian đầu, mỗi năm, chị My sản xuất khoảng 5 ngàn bịch nấm. Số lượng nấm sản xuất ra bao nhiêu đều được đưa ra các chợ trên địa bàn thành phố tiêu thụ hết đến đó. Nhờ vậy, chị My có thêm động lực, không ngừng học hỏi, từng bước tăng số lượng và chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiềm năng.

Với kinh nghiệm và số vốn tích lũy được sau nhiều năm trồng nấm, năm 2020, chị Họa My đã thành lập Hợp tác xã Ngân Hà với 10 thành viên tham gia. Sau đó, HTX đã đổi tên thành Cơ sở sản xuất nấm sạch Ngân Hà. Để cơ sở đi vào hoạt động quy mô và hiệu quả, chị đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng mua đất xây dựng trang trại, đầu tư các loại máy móc hiện đại phục vụ trồng nấm như: nhà xưởng có hệ thống phun sương; nhà màng; máy đóng bịch, sàng trộn mùn cưa; nồi hấp nấm ... Bản thân chị cũng nhiều lần đăng ký tham gia các lớp học về kỹ thuật trồng nấm ở Viện nông nghiệp để nắm được quy trình và chuỗi sản xuất nấm.

Ban đầu, cơ sở sản xuất nấm sạch Ngân Hà chỉ trồng nấm sò trắng, chị dần dần chuyển sang trồng loại nấm sò tím với quy mô ngày càng lớn. Nhờ đầu tư máy móc hiện đại và làm chủ được công nghệ, kỹ thuật trồng nấm, chị đã nâng số lượng sản xuất nấm lên 50 ngàn bịch nấm/năm. Nấm sò tím sản xuất và tiêu thụ quanh năm. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất nấm sạch Ngân Hà sản xuất ra từ 20 – 25 kg nấm, giá bán dao động từ 45 – 50 ngàn đồng/kg, vào thời điểm tết có thể lên đến 100 ngàn/kg. Ngoài ra, cơ sở còn bán phôi nấm cho những người muốn tự trồng nấm ăn tại nhà và các cơ sở trồng nấm nhỏ lẻ trên địa bàn. Giá bán phôi nấm từ 10 – 15 ngàn đồng/phôi. Thu nhập của cơ sở đạt từ 150 – 200 triệu đồng/ năm, tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập từ 4 – 6 triệu đồng/ người/ tháng.

Chị Lê Thị Tuyết, Công nhân Cơ sở sản xuất nấm sạch Ngân Hà chia sẻ: “Tôi làm ở cơ sở chị My đã hơn 5 năm, 1 ngày tôi làm được khoảng 1 ngàn bịch. Làm ở đây công việc ổn định, thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/tháng”.

Trồng nấm sò tím không khó, nhưng trong quá trình trồng phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Hàng ngày, phải phun nước từ 2 – 3 lần để giữ độ ẩm nếu không nấm sẽ bị khô, phát triển chậm ảnh hưởng đến năng suất; ngược lại, tưới nước nhiều quá, nấm sẽ bị  thối. Vì thế, người trồng nấm phải kiên trì, tỉ mỉ, phải thường xuyên thăm nom, tuyệt đối không để có chuột và kiến, bởi đây là những loại côn trùng trung gian cắn phá, gây bệnh cho các loại nấm. 

Cùng với trồng nấm sò tím quanh năm, từ tháng 4 đến tháng 7, cơ sở còn trồng thêm nấm rơm đồng thời đầu tư xây dựng nhà màng công nghệ cao, tận dụng phụ phẩm sau trồng nấm ủ với chế phẩm sinh học làm phân vi sinh để trồng mỗi năm 3 vụ dưa leo baby và 4 vụ dưa lưới. Mỗi vụ dưa cho thu nhập trên 30 triệu đồng.

Cơ sở sản xuất nấm sạch Ngân Hà hiện là mô hình trồng nấm sò tím có quy mô lớn nhất trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Các sản phẩm của cơ sở đều có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc, có nhãn mác theo quy định. Sản phẩm của cơ sở sản xuất ra đến đâu được các thương lái, tiểu thương ở các chợ  đến thu mua và tiêu thụ hết đến đó.

Chị Cao Đàm Họa My, Chủ cơ sở sản xuất nấm sạch Ngân Hà cho biết: ‘Hằng năm, tôi đều gửi mẫu nấm đi thử nghiệm ở Đà Nẵng hoặc Hà Nội để test mẫu nấm của mình xem sản phẩm có đạt các tiêu chí như mình mong muốn hay không để thay đổi quy trình cho phù hợp. Định hướng là sẽ tạo ra chuỗi, nghĩa là từ nấm tươi có thể chế biến thành các loại nấm khô để người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm một cách tiện lợi hơn, ví dụ như: chà bông thay cho dùng bột ngọt, nấm rơm sấy khô….Trong quá trình triển khai thực hiện chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng cơ sở sẽ tiếp tục nỗ lực để đa dạng hóa sản phẩm, tạo thu nhập và công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương”.

Với những kết quả bước đầu, mô hình trồng nấm sò tím của chị Cao Đàm Họa My là một hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao đang được chính quyền  địa phương triển khai nhân rộng trên địa bàn. Qua đó, nhằm tạo việc làm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân làm kinh tế nông nghiệp. Đây cũng là một trong những sản phẩm được UBND phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới lựa chọn để định hướng  xây dựng thành sản phẩm OCOP trong chương trình “mỗi xã một sản phẩm” cấp thành phố và cấp tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2025.

                                                                                                                             Cái Huệ

                                                                                                                                                                                                                                                 

Các tin khác